"Lực lượng phòng không Quân khu miền Tây và miền Nam phát hiện các oanh tạc cơ B-1B của Mỹ hoạt động tại khu vực trung lập trên Biển Đen và Biển Baltic... Các tiêm kích Su-27P và Su-30 SM trong biên chế lực lượng phòng không của Quân khu phía Nam cất cánh để chặn mục tiêu", Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong thông cáo ngày 29/5.
Thông cáo cho hay radar phòng không Nga đã phát hiện oanh tạc cơ B-1B từ khoảng cách xa trước khi tiêm kích được triển khai ngăn chặn. Sau khi các tiêm kích Nga xuất hiện, oanh tạc cơ của Mỹ thay đổi hướng bay.
Máy bay Nga sau đó trở về căn cứ an toàn và các phi công đã thực hiện nhiệm vụ "theo đúng quy định quốc tế về sử dụng không phận", theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga.
Trước đó, Bộ Tư lệnh Không quân Mỹ tại châu Âu thông báo các oanh tạc cơ B-1B cất cánh từ bang Nam Dakota của Mỹ để tới châu Âu. Các oanh tạc cơ Mỹ được hộ tống bởi tiêm kích Su-27 và MiG-29 của Ukraine, tiêm kích F-16 và MiG-29 của Ba Lan, tiêm kích MiG-21 và F-16 của Romania và tiêm kích F-16 của Hy Lạp.
Tiêm kích Nga nhiều lần cất cánh để ép oanh tạc cơ, trinh sát cơ của Mỹ và máy bay của NATO chuyển hướng khi chúng tiếp cận gần biên giới. Hai tiêm kích Su-35 của Nga ngày 26/5 áp sát từ hai bên, khiến trinh sát cơ P-8A Poseidon chật vật cơ động trên Địa Trung Hải trong 64 phút.
Một oanh tạc cơ B-1B Lancer ngày 19/5 luồn vào vùng biển Okhotsk, khu vực được ví như sân sau của Nga. Chuyên gia quân sự nhận định đây là động thái chưa có tiền lệ, "có thể coi là hành động khiêu khích nhất" trong loạt chuyển bay tầm xa của phi đội B-1B, sau khi chấm dứt nhiệm vụ Duy trì Hiện diện Oanh tạc cơ Liên tục (CBP) trên đảo Guam.
Nguyễn Tiến (Theo RT, RIA Novosti)