"Chiếc B-1B mang mã liên lạc 'Dodge 01' bay qua vùng trời quốc tế rộng hơn 22 km giữa đảo Simushir và Chirpoy thuộc quần đảo Kuril để tiến vào biển Okhotsk hôm 19/5. Họ đã bay lọt qua khe hẹp trong vùng lãnh hải của Nga", tài khoản Twitter Golf9 chuyên theo dõi hoạt động của máy bay Mỹ hôm qua cho biết.
"Đây là động thái chưa từng có tiền lệ, có thể coi là hành động khiêu khích nhất trong loạt chuyến bay tầm xa của phi đội B-1B sau khi Mỹ chấm dứt nhiệm vụ Duy trì Hiện diện Oanh tạc cơ Liên tục (CBP) trên đảo Guam. Biển Okhotsk có thể coi là sân sau của Nga bởi nó có ba mặt được bao quanh bởi lãnh thổ nước này, trong khi hướng còn lại được chốt giữ bởi quần đảo Kuril do Nga kiểm soát", chuyên gia quân sự Tyler Rogoway nhận xét.
Lực lượng không quân Mỹ tại Thái Bình Dương (PACAF) cho biết biên đội gồm hai oanh tạc cơ chiến lược B-1B Lancer cất cánh từ đảo Guam để tới bang Alaska diễn tập cùng tiêm kích F-16 và F-22, sau đó di chuyển đến Nhật Bản và huấn luyện cùng các lực lượng Mỹ tại đây.
"Chuyến bay kéo dài tổng cộng 24 giờ. Hoạt động này tiếp tục thể hiện mô hình triển khai lực lượng linh động của không quân Mỹ", PACAF cho biết trong thông cáo hôm 22/5 nhưng không đề cập tới lộ trình bay vào biển Okhotsk của "Dodge 01".
Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về sự việc. Hiện chưa rõ oanh tạc cơ B-1B Mỹ có bị tiêm kích Nga giám sát khi bay vào biển Okhotsk hay không, nhưng dữ liệu định vị cho thấy không quân Nga đã tiến hành một cuộc tuần tra tầm xa và điều phi cơ áp sát bang Alaska sau đó một ngày.
Kể từ khi rút hết oanh tạc cơ B-52 khỏi Guam và chấm dứt nhiệm vụ CBP hôm 17/4, Mỹ đã tăng cường sự hiện diện của oanh tạc cơ B-1B ở Thái Bình Dương, trong đó 4 chiếc Lancer và 200 binh sĩ được triển khai tới Guam hồi đầu tháng 5.
PACAF cho biết phi đội B-1B hiện diện ở Guam nhằm thực hiện nhiệm vụ huấn luyện và "các sứ mệnh răn đe chiến lược" ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Kế hoạch này được thiết kế nhằm di chuyển các oanh tạc cơ chiến lược tới nhiều địa điểm khác nhau trên thế giới nhằm thể hiện "tính khó dự đoán trong tác chiến" của chúng, khiến đối thủ phải liên tục phỏng đoán lực lượng Mỹ đang ở đâu.
Vũ Anh (Theo Drive)