Cuối Thế chiến II, phát xít Đức muốn chế tạo một loại chiến đấu cơ tốc độ cao, trang bị hỏa lực mạnh với chi phí thấp để chống lại oanh tạc cơ Đồng minh. Một trong những thách thức mà họ phải đối mặt là tình trạng khan hiếm xăng dầu cho máy bay, theo Vintage News.
Để khắc phục tình trạng này, cuối năm 1944, tiến sĩ Alexander Lippisch đề xuất ý tưởng chế tạo tiêm kích đánh chặn P13A chạy bằng than đá. Theo đó, một giỏ lưới chất đầy than đá sẽ được gắn sau cửa hút gió và đốt cháy bằng khí gas, tạo lực đẩy cho tiêm kích.
P13A là dự án máy bay tối mật của Đức. Nó sử dụng thiết kế cánh hình tam giác và động cơ phản lực dòng thẳng (ramjet). P13A chỉ có phiên bản một chỗ ngồi, có thể đạt tốc độ tối đa 1.650 km/h, tầm hoạt động 1.000 km nhờ trang bị một động cơ ramjet Kronach Lorin chạy bằng than đá.
Theo thiết kế của Lippisch, than đá được nghiền thành hạt nhỏ để có thể đốt cháy đều, được đựng trong giỏ lưới hình tròn có thể quay quanh một trục thẳng đứng. Động cơ phản lực sẽ thổi lửa vào giỏ lưới ngay khi P13A đạt tốc độ hành trình.
Tuy nhiên, việc sử dụng động cơ ramjet khiến P13A phải dựa vào rocket sơ tốc hoặc máy bay khác kéo đi trước khi kích hoạt động cơ hành trình. Theo đề xuất, P13A có thể được làm từ vật liệu gỗ, gỗ dán và ống thép để giảm trọng lượng. Mẫu tiêm kích này được trang bị hai súng máy cỡ nòng 7,92 mm hoặc 13 mm.
Một số thử nghiệm trong đường hầm gió từng được Đức tiến hành, cho thấy P13A có thể hoạt động tốt ở tốc độ 3.675 km/h, gấp ba lần vận tốc âm thanh.
Tuy nhiên, Đức không kịp hoàn thiện dự án này trước khi chiến tranh kết thúc. Trên thực tế, chỉ có mẫu tàu lượn thử nghiệm DM-1 được chế tạo và bị quân đội Mỹ tịch thu. Mỹ yêu cầu nhóm của tiến sĩ Lippisch hoàn tất tàu lượn này trước khi đưa về nước thử nghiệm với kết quả rất khả quan.
Sau chiến tranh, tiến sĩ Lippisch hợp tác với đội ngũ thiết kế của Convair để sản xuất nguyên mẫu XF-92, từ đó phát triển thành tiêm kích đánh chặn F-102 Delta Dagger và F-106 Delta Dart. Kết quả thử nghiệm DM-1 sau đó được ứng dụng vào nghiên cứu máy bay của NASA trong thập niên 1950.
Duy Sơn