Heinz Guderian trong giai đoạn đầu Thế chiến II
Heinz Wilhelm Guderian là người tiên phong trong chiến tranh thiết giáp, cũng là một trong những người đầu tiên phát triển chiến thuật phối hợp xe tăng và bộ binh cơ giới trong chiến đấu. Từ nền tảng này, Guderian đã xây dựng nên học thuyết "Bliztkrieg" (chiến tranh chớp nhoáng), mang lại thành công cho quân đội phát xít Đức trong giai đoạn đầu Thế chiến II, theo War History.
Guderian bắt đầu sự nghiệp quân sự vào năm 1907. Tới năm 1914, Guderian đảm nhiệm vai trò sĩ quan thông tin trong Sư đoàn kỵ binh số 5. Trong giai đoạn cuối Thế chiến I, ông được bổ nhiệm làm việc tại Bộ Tổng tham mưu, nơi Guderian kỳ vọng có thể vận dụng khả năng chiến thuật của mình. Tuy nhiên, cuộc chiến đã kết thúc sớm hơn dự tính.
Guderian luôn tin rằng cuộc chiến có thể tiếp diễn và Đức sẽ giành chiến thắng. Ông cho rằng thỏa thuận đình chiến năm 1918 là sự phản bội đối với quân đội Đức. Hitler khai thác điều này, khi tuyên bố rằng quân Đức rời khỏi tiền tuyến mà không bị đánh bại.
Guderian là một trong số 4.000 sĩ quan Đức được tuyển chọn để tiếp tục phục vụ quân đội Cộng hòa Weimar, chính phủ kế nhiệm sau khi đế chế Đức sụp đổ. Quân đội Đức được tái tổ chức theo hiệp ước Versaille với mục đích ngăn ngừa nguy cơ dẫn tới một cuộc chiến tranh khác ở châu Âu.
Đây là khoảng thời gian đầy khó khăn, Guderian đối mặt với trách nhiệm gìn giữ hòa bình trong nội bộ nước Đức, trước nguy cơ nổ ra cuộc nội chiến giữa các phe phái chính trị.
Ông được lệnh chuyển đến miền đông để điều phối đội quân Freikorps ở biên giới với Ba Lan, trong khi nội chiến Nga đe dọa lan rộng khắp châu Âu. Freikorps là lực lượng bán vũ trang, chủ yếu bao gồm cựu binh Thế chiến I. Đội quân này khét tiếng với sự tàn bạo và các đợt đàn áp cách mạng tại Đức trong những năm sau chiến tranh.
Guderian trở thành sĩ quan đáng tin cậy, đồng thời là thành viên của Văn phòng Binh sĩ, tổ chức bí mật của các sĩ quan nhằm loại bỏ Hiệp ước Versaille, khôi phục sức mạnh của quân đội Đức. Ông sớm làm quen với việc phát triển xe tăng và thiết giáp. Heinz Guderian trở nên đặc biệt thích thú với mặt trận này.
Ông đã nghiên cứu, so sánh các ngành công nghiệp chế tạo xe tăng châu Âu và Liên Xô. Vì thông thạo cả tiếng Anh và tiếng Pháp nên Guderian có thể đọc được tác phẩm của các nhà lý luận chiến tranh như J.F. C. Fuller, Giffard Martel, tướng Percy Hobart và B.H. Liddell Hart.
Trong những năm tiếp theo, Guderian liên tục được thăng chức và được phong tướng vào năm 1936. Nhờ vào kiến thức quân sự sâu rộng, ông được giao quyền chỉ huy Quân đoàn XVI của quân đội Đức. Tại thời điểm đó, Guderian cũng cho ra cuốn sách đầu tiên của mình có tên "Achtung - Panzer" (tạm dịch: Chú ý - Xe tăng). Đây được coi là một trong những tác phẩm then chốt, ảnh hưởng tới việc phát triển chiến thuật tăng thiết giáp, đặc biệt là trong những năm đầu của Thế chiến II.
Trong cuốn sách này, Guderian bàn về tầm quan trọng của tác chiến tăng thiết giáp, cũng như sự tuyệt chủng của chiến tranh chiến hào, đặc trưng của Thế chiến I. Ông chỉ ra ưu thế xe tăng và máy bay của quân Đồng minh giúp họ giành chiến thắng, đòi hỏi áp dụng ưu thế này một cách triệt để. Guderian khám phá tiềm năng sử dụng lực lượng xe tăng được hỗ trợ bởi bộ binh cơ giới và không quân.
Trong tất cả các cuốn sách mà ông viết thì Achtung - Panzer vẫn là tác phẩm để lại nhiều ảnh hưởng nhất. Qua cuốn sách này, ông đã xây dựng nên các sư đoàn xe tăng Đức, cũng như chiến thuật sử dụng. Một trong những điểm nổi bật là Guderian đề xuất tách rời sư đoàn xe tăng khỏi bộ binh.
Điều này khá bình thường vào thời điểm hiện nay, nhưng vào những năm 1930, xe tăng được xem như phương tiện hỗ trợ các cuộc tấn công bộ binh, không phải ngược lại. Guderian ủng hộ ý tưởng triển khai số lượng lớn xe tăng dẫn đầu, trong khi bộ binh theo sau trên xe cơ giới.
Máy bay và pháo binh là lực lượng yểm trợ từ trên không và tuyến sau. Guderian cũng phát triển phương tiện thông tin tốt hơn, giúp kết nối các xe tăng thông qua thiết bị vô tuyến để phối hợp hoạt động. Bằng cách này, trưởng xe có thể giao tiếp tốt hơn với những xe khác, đồng thời chỉ huy kíp lái dưới quyền mình. Tổ lái được khuyến khích tăng khả năng làm việc theo nhóm, mỗi người có nhiệm vụ riêng và thực hiện nó một cách hoàn hảo.
Chiến thuật Bliztkrieg của Guderian được áp dụng lần đầu trong cuộc xâm lược Ba Lan năm 1939 và chứng tỏ sự đáng sợ khi giúp quân Đức xuyên thẳng qua tiền tuyến với sự chính xác hoàn hảo. Guderian đích thân chỉ huy Quân đoàn thiết giáp XIX, gồm một sư đoàn tăng và hai sư đoàn bộ binh cơ giới. Ông coi sư đoàn tăng như kỵ binh với nhiệm vụ phá vỡ tuyến phòng thủ và truy đuổi đối phương.
Guderian tiếp tục giành chiến thắng trên mặt trận Pháp, nơi ông trực tiếp chỉ huy một trong những trận đánh quyết định tại Sedan, dẫn đến sự sụp đổ hệ thống phòng thủ ở Pháp. Guderian tiến quân nhanh tới mức đủ khả năng tiêu diệt quân Đồng minh đang rút chạy khỏi Dunkirk. Tuy nhiên, cấp trên yêu cầu ông không tấn công, để quân Anh và Pháp có thể rút quân.
Guderian được tin tưởng để dẫn đầu cuộc chiến tranh chớp nhoáng về phía Liên Xô. Quân Đức có thể tiến sâu vào lãnh thổ Liên Xô một phần nhờ sự can đảm và trí thông minh của ông. Nhưng tới lúc này, Guderian bắt đầu phản đối quyết định của cấp trên, trong đó có mệnh lệnh bao vây Hồng quân Liên Xô tại Moscow bằng cách tiến quân vòng về phía nam, thay vì chọc thẳng vào phòng tuyến như đề xuất của Guderian.
Điều này đã dẫn đến một loạt vụ đối đầu giữa Guderian với chính Hitler, tư lệnh tối cao quân đội Đức. Guderian là một trong số ít những người có thể nghi ngờ mệnh lệnh của Hitle và không bị trừng phạt.
Đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp giữa Guderian với Hitler. Đáng chú ý nhất là vụ việc năm 1945 liên quan đến thiệt hại tại Kustrin, trong trận Oder-Neisse, khi Hồng quân Liên Xô tiến dần đến Berlin. Guderian bị cách chức sau khi nổ ra cuộc cãi vã nảy lửa với Hitler.
Ông sống sót sau chiến tranh và đầu hàng quân Đồng minh. Sau chiến tranh, Guderian vẫn thường được mời tham dự cuộc họp của các nhóm cựu binh Anh, nơi ông phân tích những trận đánh trong quá khứ với kẻ thù cũ. Chuyên môn của ông được tận dụng trong suốt năm 1950, khi Guderian tham gia tái thiết quân đội Tây Đức.
Guderian qua đời ngày 14/5/1954, mai táng tại Goslar, thành phố Hannover, nơi Guderian từng đóng quân cùng Tiểu đoàn Biệt kích 10 trong những năm đầu cuộc đời binh nghiệp.
Erwin Rommel, một trong những vị tướng nổi tiếng nhất của Đức trong Thế chiến II, đồng thời là bạn thân của Guderian, khẳng định: "Ở Đức, các yếu tố của chiến tranh thiết giáp hiện đại đã được cụ thể hóa thành học thuyết từ trước cuộc chiến, phần lớn nhờ vào công sức của tướng Guderian. Nó được thể hiện thực tế qua cách tổ chức và huấn luyện đội hình tăng thiết giáp".
Hạ Vy