"Tiêm kích Rafale đã làm quen những khu vực hoạt động của chúng tôi, bao gồm cả Ladakh", quan chức không quân Ấn Độ giấu tên cho biết hôm 21/9, song không nói rõ các chuyến bay bắt đầu khi nào. Phóng viên của AFP đã nhìn thấy một tiêm kích Rafale bay qua thủ phủ Leh của Ladakh cùng ngày.
5 chiếc đầu tiên trong đơn đặt hàng 36 tiêm kích Rafale trị giá 9,4 tỷ USD đã được biên chế ngày 10/9. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh gọi đây là "thông điệp mạnh mẽ" tới các đối thủ của New Delhi.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ xác nhận các tiêm kích "đã bay và làm quen với môi trường hoạt động", song không đề cập cụ thể đến Ladakh. "Phi đội Rafale đã trải qua quá trình huấn luyện tích hợp cường độ cao với các đơn vị khác, bao gồm khai hỏa các vũ khí tiên tiến", tuyên bố của Bộ Quốc phòng cho hay.
Thông báo được đưa ra khi chỉ huy quân sự Ấn Độ và Trung Quốc tổ chức vòng đàm phán mới nhằm xoa dịu căng thẳng dọc biên giới đang tranh chấp trên dãy Himalaya.
Căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc bùng lên từ tháng 5 và đạt đỉnh điểm vào tháng 6 với vụ ẩu đả gây thương vong nhiều nhất sau nhiều thập kỷ. Binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc dùng gậy gộc, gạch đá và tay không đánh nhau tại thung lũng Galwan hôm 15/6, khiến 20 lính Ấn Độ và một số binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng.
Quan chức hai nước trong nhiều tháng qua đã tổ chức nhiều vòng đàm phán quân sự, chính trị, ngoại giao cấp cao để thảo luận về căng thẳng dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), biên giới chưa phân định giữa Ấn Độ và Trung Quốc, bao gồm cuộc hội đàm giữa ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng hai nước ở Moskva hồi đầu tháng 9. Tuy nhiên, tình hình ở biên giới hai nước vẫn chưa có dấu hiệu được cải thiện.
Ấn Độ thừa nhận họ đứng sau Trung Quốc và nhiều cường quốc về sức mạnh quân sự, cho rằng mua tiêm kích Rafale từ Pháp là một trong nhiều chiến lược được thực hiện nhằm tăng cường năng lực cho quân đội.
Huyền Lê (Theo AFP)