Lực lượng tăng viện này được quân đội Trung Quốc triển khai tới khu vực bờ nam hồ Pangong Tso, nơi biên giới với Ấn Độ cắt qua, hồi tuần trước, các nguồn tin chính phủ Ấn Độ ngày 16/9 cho biết.
Đợt tăng quân nâng tổng quân số của Trung Quốc đóng ở khu vực biên giới đang tranh chấp với Ấn Độ tăng lên khoảng 52.000, với 150 tiêm kích và tổ hợp tên lửa đất đối không,
Bắc Kinh chưa bình luận về thông tin này.
Thông tin Trung Quốc điều thêm lực lượng tới ven hồ tranh chấp được Ấn Độ đưa ra chỉ vài ngày sau khi ngoại trưởng cùng bộ trưởng quốc phòng hai nước nhất trí duy trì "hòa bình và yên tĩnh" dọc theo biên giới.
Hồ Pangong Tso nằm trên cao nguyên Tây Tạng, nơi Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) cắt qua, với các nhánh núi vươn ra được đánh số 1-8 từ phía Ấn Độ. New Delhi tuyên bố LAC đi qua gần nhánh núi số 8, trong khi Bắc Kinh khẳng định đường này đi qua trước nhánh núi số 4.
Lục quân Ấn Độ đang chiếm giữ các điểm cao tại nhánh núi số 4 phía bờ bắc Pangong Tso, cho phép lực lượng này theo dõi hoạt động di chuyển của quân đội Trung Quốc.
Ấn Độ kích hoạt toàn bộ mạng lưới hậu cần, sử dụng nhiều phương tiện từ vận tải cơ tới la thồ để chuyển lượng lớn đạn dược, trang thiết bị, nhiên liệu, nhu yếu phẩm và thực phẩm cho các binh sĩ tiền tuyến sử dụng trong mùa đông. Cả Ấn Độ lẫn Trung Quốc đều phải chuẩn bị vật tư và nhu yếu phẩm cho binh sĩ đóng trong biên giới, nơi nhiệt độ rất thấp trong mùa đông.
Ấn Độ thường triển khai khoảng 20.000-30.000 lính tại đông Ladakh, song quân số thời gian qua đã tăng gấp đôi, theo một quan chức quốc phòng nước này. Binh sĩ Ấn Độ sẽ tiếp tục được triển khai dọc theo biên giới trong suốt mùa đông nhằm đáp trả việc Trung Quốc tăng thêm quân.
Lực lượng Ấn - Trung những tháng qua nhiều lần đụng độ ở khu vực quanh đường LAC, biên giới chưa phân định giữa hai nước, đỉnh điểm là vụ ẩu đả chết người ở thung lũng Galwan và gần đây là đụng độ tại khu vực quanh hồ Pangong Tso.
Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị ngày 11/9 đồng ý rút bớt lực lượng ở biên giới sau cuộc hội đàm tại Moskva, Nga. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định cả Ấn Độ và Trung Quốc đều chưa tỏ ra muốn lùi bước trong tranh chấp biên giới.
Nguyễn Tiến (Theo Sputnik)