Cụ Gan Giok Hiang, 90 tuổi, có lịch tiêm vaccine ở Kubang Kerian, cách nhà của cụ ở Rantau Panjang, khoảng 45 km. Cụ được người hàng xóm Syed Hassan Syed Bakar chở đến trung tâm tiêm chủng lớn.
Ông Idris Ahmad, một hiệu trưởng 67 tuổi đã nghỉ hưu, và vợ mất hai giờ đồng hồ chạy xe từ Batu Pahat đến một điểm tiêm chủng lớn - được gọi là mô hình PPV - ở Johor Baru. Các nhóm nguy cơ cao và dễ bị tổn thương đã gặp khó khăn khi vượt chặng đường dài để đến các trung tâm này.
Chủ tịch Hiệp hội Bác sĩ Y tế Công cộng Malaysia Zainal Ariffin Omar bình luận: "Thực hiện phương án PPV là không đủ để tiêm chủng hiệu quả và nhanh chóng. Chúng ta cần thêm các trung tâm nhỏ, di động ở vùng ngoại ô, nông thôn và những khu nhà giá rẻ - nơi có mật độ dân cư đông đúc". Ông nói thêm rằng vaccine nên được chuyển đến tất cả các phòng khám công ở vùng ngoại ô và nông thôn.
Một tổ chức phi chính phủ phát động chiến dịch kêu gọi các tình nguyện viên đưa người cao tuổi nơi tiêm chủng. Điều này cho thấy mối quan ngại về quy trình tại một số trung tâm lớn và hiệu quả của cách tiếp cận với những người dễ bị tổn thương nhất.
Bà Shyam Priah, người sáng lập Yellow House Kuala Lumpur, cho biết: "Không phải mọi trung tâm đều hoạt động suôn sẻ. Quy định ở tất cả các nơi phải giống nhau. Ngoài ra, người dân ở một số vùng sâu, vùng xa không thể đi một chặng đường quá dài để được tiêm phòng. Họ cần được tiêm gần nơi sinh sống". Bà Priah cho biết chính phủ cần điều chỉnh chiến lược tiêm chủng vì phương án hiện nay chỉ phục vụ cho những người khỏe mạnh, thay vì người thuộc nhóm nguy cơ cao.
Bộ trưởng Datuk Seri Redzuan Yusof phục vụ trong chính phủ Thủ tướng Muhyiddin Yassin cũng phản đối chiến lược hiện hành. Ông Redzuan cho rằng các trung tâm lớn chỉ dành cho các khu vực thành thị. Ông nói: "Không cần phải chi hàng triệu USD để thiết lập các cơ sở như vậy khi chính phủ đang đối mặt với thâm hụt tài chính. Chúng ta có thể tận dụng các phòng khám trên khắp đất nước".
Malaysia thiết lập các PPV để tăng cường tiêm chủng, tiến tới mục tiêu miễn dịch cộng đồng, trong bối cảnh đất nước đang trải qua đợt phong tỏa lần thứ ba, sẽ kéo dài đến cuối tháng 6. Tốc độ tiêm chủng đã tăng lên kể từ khi các trung tâm xuất hiện, với trung bình 110.000 liều mỗi ngày được triển khai trong tuần đầu tiên của tháng 6. Riêng hôm 11/6, 124.618 liều vaccine được sử dụng.
Bộ trưởng về tiêm chủng, ông Khairy Jamaluddin, nhận định thách thức là duy trì tỷ lệ tiêm chủng hiện tại trước khi nâng lên từ 200.000 đến 300.000 liều mỗi ngày kể từ tháng 7. Malaysia đặt mục tiêu tiêm chủng cho toàn bộ người trưởng thành vào cuối năm nay.
Đến nay, 13,75 triệu người Malaysia đã đăng ký tiêm chủng, chiếm 56% dân số trưởng thành của đất nước. Tính đến 11/6, gần ba triệu người, tương đương 10% dân số, đã tiêm ít nhất một liều vaccine và 1,2 triệu người được tiêm đầy đủ.
Hai bang nghèo nhất của quốc gia này có tỷ lệ đăng ký thấp nhất. Chỉ 22% dân số trưởng thành của Sabah đã đăng ký, trong khi ở Kelantan, 41% người dân làm điều này.
Mai Dung (Theo Straits Times)