Nước này bắt đầu đợt tiêm chủng hôm 24/2, sử dụng vaccine Pfizer của Mỹ. Chương trình tiêm chủng được triển khai trong bối cảnh chính phủ đang cố gắng kiểm soát các đợt bùng phát tiếp theo, nỗ lực hồi sinh nền kinh tế đã sụt giảm tồi tệ nhất trong hai thập kỷ vừa qua.
Sau khi phê duyệt có điều kiện, vaccine Astrazeneca và vaccine Sinovac sẽ được đưa vào sử dụng trong thời gian ngắn. Song cả hai nhà sản xuất này, cùng Pfizer, cần cung cấp thêm dữ liệu về tính an toàn và hiệu quả của sản phẩm, theo Giám đốc Cơ quan Y tế Noor Hisham Abdullah.
Sinovac đã ký thỏa thuận với công ty Pharmaniaga của Malaysia, là đơn vị phân phối vaccine chính tại nước nào.
Chính phủ Malaysia đặt mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 80% dân số, tức là khoảng 32 triệu người, vào tháng 2 năm sau. Tháng trước, nhà chức trách cho biết đã mua được 66,7 triệu liều vaccine. Các chuyên gia cũng đang đánh giá vaccine Sputnik V do Viện Gamaleya của Nga phát triển.
Vaccine Covid-19 do AstraZeneca phối hợp Đại học Oxford phát triển, được điều chế dựa trên công nghệ vector, sử dụng virus cảm cúm vô hại từ tinh tinh, nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Virus chứa các gene từ nCoV. Khi tiêm vào tế bào người, chúng tạo ra protein giúp hệ thống miễn dịch nhận biết và phản ứng với mầm bệnh sau này. Đến nay các loại vaccine Covid-19 được phát triển dựa vào công nghệ vector bao gồm Sputnik-V của Viện Gamaleya (Nga), Adenovirus 26 của Johnson & Johnson (Mỹ) và Ad5 của CanSino (Trung Quốc).
Công ty công nghệ sinh học Sinovac tại Bắc Kinh áp dụng một trong những phương pháp truyền thống nhất để phát triển vaccine Covid-19. Các liều tiêm dựa trên mẫu nCoV bất hoạt, đưa vào cơ thể nhằm "đào tạo" hệ thống miễn dịch cách nhận biết và tiêu diệt mầm bệnh. Công ty này đã đi trước hầu hết đối thủ cạnh tranh khác, chiếm ưu thế về tốc độ sản xuất. Sản phẩm của Sinovac đủ năng lực thương mại hóa nhanh chóng như vaccine từ hãng dược Mỹ Moderna hay nhóm nghiên cứu Đại học Oxford/ AstraZeneca.
Thục Linh (Theo Reuters)