Thủy thủ này bị cáo buộc tội phóng hỏa tàu đổ bộ USS Bonhomme Richard dựa trên những bằng chứng do nhóm điều tra hình sự của quân đội Mỹ tiến hành. Người này là thành viên thủy thủ đoàn tàu Bonhomme Richard vào thời điểm xảy ra vụ cháy hồi tháng 7 năm ngoái, trung tá Sean Robertson, phát ngôn viên Hạm đội 3 hải quân Mỹ, cho biết.

Lực lượng cứu hỏa phun nước làm mát vỏ tàu Bonhomme Richard ngày 14/7/2020. Ảnh: US Navy.
Phó đô đốc Steve Koehler, tư lệnh Hạm đội 3, đã yêu cầu tổ chức phiên điều trần sơ bộ và đang xem xét phương án đưa thủy thủ này ra tòa án binh. Danh tính của thủy thủ không được tiết lộ.
Sở cứu hỏa San Diego cho biết trước khi xảy ra hỏa hoạn lớn với tàu Bonhomme Richard, họ đã ghi nhận nhiều vụ cháy nhỏ trên các chiến hạm neo đậu ở thành phố này trong 15 tháng trước đó.
Trong số các vụ hỏa hoạn đó có đám cháy trên tàu đổ bộ tấn công USS Boxer và tàu quét mìn USS Champion hồi năm 2019, cùng một vụ cháy trên tàu USS Harpers Ferry tháng 3/2020. Không rõ nghi phạm phóng hỏa tàu USS Bonhomme Richard có liên quan tới những sự việc này hay không.
Tàu đổ bộ tấn công USS Bonhomme Richard bốc cháy sáng 12/7/2020 khi neo đậu để bảo dưỡng tại quân cảng San Diego, bang California, Mỹ. Vụ cháy chỉ được dập tắt sau 4 ngày, khi ngọn lửa đã lan lên thượng tầng và khiến đài chỉ huy sụp đổ.
63 thủy thủ và nhân viên cứu hỏa bị thương vì vụ nổ hoặc trong quá trình dập lửa. Hải quân Mỹ hồi tháng 8/2020 nghi ngờ Bonhomme Richard bị phóng hỏa, đồng thời điều tra bổ sung về cách thiết kế của chiến hạm, cách phản ứng của bộ chỉ huy lực lượng trong sự cố.
Hải quân Mỹ đánh giá USS Bonhomme Richard bị hư hại khoảng 60% và quyết định không sửa chữa do chi phí quá cao và mất quá nhiều thời gian. Lực lượng này sau đó loại biên và chi khoảng 30 triệu USD để rã sắt vụn con tàu.
Vũ Anh (Theo Drive)