Hải quân Mỹ đang đối mặt nguy cơ thiệt hại nhiều tỷ USD vì vụ cháy tàu đổ bộ tấn công USS Bonhomme Richard. Nhiều người đặt dấu hỏi tại sao thảm họa này lại xảy ra với chiến hạm có tầm quan trọng chiến lược như Bonhomme Richard khi nó đang nằm an toàn tại một trong những quân cảng lớn và hiện đại nhất thế giới, trong lúc không mang theo vũ khí và nhiên liệu dễ cháy nổ.
"Câu trả lời có thể làm nhiều người lo lắng. Tàu chiến Mỹ dễ tổn thương nhất khi nằm tại cảng nhà", Aaron Amick, cựu sĩ quan tàu ngầm hạt nhân Mỹ, cho biết.
Vụ cháy xảy ra sáng 12/7 khi USS Bonhomme Richard sắp hoàn tất đợt bảo dưỡng, nâng cấp kéo dài hai năm với chi phí 250 triệu USD tại nhà máy NASSCO của tập đoàn General Dynamics và chuyển sang cầu tàu số 2 ở quân cảng San Diego. Quá trình bảo dưỡng vẫn diễn ra khi ngọn lửa bùng phát.
"Điều này có nghĩa là nhiều hệ thống phòng cháy chữa cháy trên tàu đều ngừng hoạt động khi hỏa hoạn bùng lên. Các khoang tàu có thể chứa đầy vật liệu dễ cháy trong lúc nhân viên nhà máy hàn các chi tiết vào thân tàu, chạy dây dẫn và thực hiện nhiều công việc khác", Amick cho hay.
Lối đi giữa các khoang cũng chứa đầy dây cáp và ống thông khí, nhiều bảng điện và thiết bị cũng được lắp ở những khu vực quan trọng, khiến không gian di chuyển càng thu hẹp. Những cánh cửa ngăn không thể đóng lại, thủy thủ và nhân viên dân sự phải lách mình qua những vị trí chật hẹp, không thể di chuyển một cách dễ dàng như bình thường.
"Tàu chiến luôn trong trạng thái bẩn thỉu nếu bảo dưỡng dài hạn. Bụi bẩn, mảnh vụn nhựa và dầu thường đọng ở những góc khó nhìn thấy, dễ dàng trở thành mồi lửa nếu nhân viên nhà máy không chú ý. Một con tàu sạch sẽ, hoạt động ngoài khơi gần như không có khả năng bắt cháy", cựu sĩ quan tàu ngầm Mỹ nhận xét.
Yếu tố con người cũng góp phần dẫn tới vụ cháy, dù là vô tình hay cố ý.
Những thủy thủ giàu kinh nghiệm sẽ được điều chuyển sang chiến hạm khác khi tàu của họ nằm cảng dài hạn để bảo dưỡng. Thủy thủ đoàn trực trên con tàu nằm cảng thường là binh sĩ chưa từng ra biển hoặc không làm việc trên tàu chiến từ lâu. Họ thường gặp khó khăn với việc định hướng, nhất là trong môi trường khác biệt hoàn toàn với một tàu chiến đang làm nhiệm vụ trên biển.
"Sự thiếu quen thuộc với con tàu sẽ dẫn tới chậm trễ trong ứng phó sự cố. Nguy cơ xảy ra thảm họa sẽ tăng đáng kể nếu thủy thủ đoàn dày kinh nghiệm không có mặt", Amick nói.
Bên cạnh đó, tàu chiến trong bảo dưỡng thường chỉ có thủy thủ đoàn rút gọn với quân số tối thiểu, khiến họ không đủ nhân lực để kiểm soát tình huống khẩn cấp. Khi vụ cháy bùng phát trên USS Bonhomme Richard, chỉ có khoảng 160 thủy thủ có mặt trên tàu và sẵn sàng hành động, thay vì thủy thủ đoàn 1.100 người khi làm nhiệm vụ.
"Môi trường bảo dưỡng trong cảng cũng có thể dẫn tới vấn đề kỷ luật. Thủy thủ đoàn nhìn con tàu bị tháo rời và hiểu rằng họ không phải duy trì cảnh giác suốt nhiều tháng trên biển. Họ sẽ dễ dàng cảm thấy tự mãn và lơi lỏng các quy định", cựu sĩ quan Mỹ nhận xét, thêm rằng rằng tình hình sẽ rất khác nếu vụ cháy xảy ra khi con tàu làm nhiệm vụ, thậm chí nó có thể không có cơ hội lan sang khoang khác.
Hiểm họa với tàu chiến Mỹ nằm cảng một lần nữa được chứng minh khi tàu đổ bộ tấn công USS Kearsarge bị cháy khi bảo dưỡng ở nhà máy NASSCO hôm 17/7. Sự cố xảy ra khi tia lửa hàn bắn vào vật liệu nhựa gần đó, khiến nó nóng chảy và bốc cháy, nhưng nhân viên trực cứu hỏa đã kịp dập tắt ngọn lửa trước khi nó lan rộng.
Sau vụ hỏa hoạn, hải quân Mỹ đã ra lệnh ngừng mọi hoạt động bảo dưỡng ở NASSCO để bảo đảm quy định phòng cháy chữa cháy.
Vũ Anh (Theo Drive)