Đánh giá an ninh của các bên trong quốc hội Thụy Điển, được công bố ngày 13/5, nhận định "phát triển liên minh quân sự song phương bên ngoài các cấu trúc hiện có của châu Âu và châu Âu - Đại Tây Dương là không thực tế".
"Trong khuôn khố hợp tác hiện tại, không có gì đảm bảo Thụy Điển sẽ được giúp đỡ nếu nước này là mục tiêu của một cuộc tấn công hoặc mối đe dọa nghiêm trọng", báo cáo có đoạn.
Báo cáo cũng cho biết Thụy Điển trở thành thành viên NATO "sẽ đẩy ngưỡng nổ ra xung đột lên cao và do đó có tác dụng răn đe tại khu vực Bắc Âu". Tuy nhiên, báo cáo không đưa ra khuyến nghị cụ thể về quyết định cuối cùng mà Thụy Điển nên đưa ra.
Đánh giá an ninh trên được đưa ra trong bối cảnh chính phủ Thụy Điển dự kiến cân nhắc nộp đơn gia nhập NATO trong vài ngày tới. Lãnh đạo Phần Lan, quốc gia láng giềng của Thụy Điển, ngày 12/5 cho biết họ tin rằng "Phần Lan phải nộp đơn xin gia nhập NATO ngay lập tức".
Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde nhận định các động thái của Phần Lan sẽ tác động tới nước này và cần phải xem xét chúng, đồng thời lưu ý Nga sẽ coi việc hai quốc gia Bắc Âu gia nhập NATO là động thái mang tính tiêu cực.
Ngoại trưởng Linde nói Thụy Điển không thấy nguy cơ "một cuộc tấn công quân sự thông thường" để đáp trả nước này nộp đơn gia nhập NATO. Tuy nhiên, bà Linde cho biết chính phủ Thụy Điển trước đó tuyên bố "không loại trừ một cuộc tấn công quân sự" nhằm vào quốc gia Bắc Âu này.
Phó đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyanskiy ngày 12/5 cảnh báo Nga sẽ coi Thụy Điển và Phần Lan là "mục tiêu hoặc mục tiêu tiềm năng cho một cuộc tấn công" nếu hai quốc gia Bắc Âu gia nhập NATO.
Ông Polyanskiy giải thích NATO có thái độ không thân thiện và xem Nga là đối thủ, do đó "nếu Phần Lan và Thụy Điển trở thành một phần của đối thủ, họ đương nhiên phải chịu những rủi ro về quốc phòng và kinh tế".
Phó đại sứ Polyanskiy nhận định Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO không phải đòn giáng mạnh vào an ninh của Nga, đồng thời bày tỏ hy vọng hai quốc gia này không làm vậy.
Phần Lan có đường biên giới dài hơn 1.300 km với Nga. Họ trở thành nước trung lập thông qua hiệp ước hữu nghị với Liên Xô năm 1948, với kỳ vọng ngăn tái diễn cuộc chiến Phần Lan - Liên Xô năm 1939 từng khiến hơn 80.000 binh sĩ nước này thiệt mạng.
Xuyên suốt thời Chiến tranh Lạnh, quốc gia Bắc Âu duy trì tôn chỉ không liên kết, bất chấp sức ảnh hưởng từ cả hai khối do Liên Xô và Mỹ dẫn đầu. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Phần Lan dần chuyển trọng tâm đối ngoại sang phương Tây, đánh dấu với quyết định gia nhập EU năm 1995.
Thụy Điển cũng chọn hướng đi tương tự sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, gia nhập EU vào năm 1995 và tăng cường hợp tác với NATO. Thụy Điển đã tránh tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào trong hơn 200 năm qua.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)