"Ông là một người bạn thực sự, một đối tác đáng tin cậy. Thật vinh dự khi được phụng sự cùng ông. Chúng tôi sẽ nhớ ông", lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell nói với Joe Biden, khi đó là phó tổng thống Mỹ chuẩn bị mãn nhiệm, đồng thời kể lại những kỷ niệm giữa họ.
Một loạt nghị sĩ Cộng hòa khác cũng không ngớt lời ca ngợi Biden trong cuộc chia tay tại Thượng viện trước khi nhiệm kỳ của chính quyền Barack Obama khép lại. Họ gọi Biden là "người đàn ông tuyệt vời", "tôn kính Chúa và tốt bụng", "một người yêu nước chân chính" với "nghị lực vô hạn và sự thu hút không thể phủ nhận".
Tuy nhiên, nơi từng vô cùng thân thuộc với Biden giờ đây dường như trở thành một chốn xa lạ, không còn thân thiện và hiệu quả như trước, khi ông đảm nhiệm cương vị tổng thống. Chỉ vài ngày sau khi Biden kêu gọi đoàn kết trong bài phát biểu nhậm chức, Thượng viện rơi vào bế tắc khi các lãnh đạo hai đảng không thể thống nhất về những quy tắc hoạt động cơ bản.
"Tôi hoài niệm về cách chúng tôi từng hợp tác cùng nhau. Bây giờ Thượng viện chẳng làm gì cả", Harry Reid, cựu lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện, người nghỉ hưu hồi năm 2016, hồi tưởng về quốc hội Mỹ những năm 1970 và 1980.
Với 36 năm giữ chức thượng nghị sĩ và 8 năm trong Nhà Trắng, Biden sở hữu kinh nghiệm làm việc dày dặn trong chính quyền, hiểu biết sâu sắc về quy trình lập pháp cũng như giới chính trị gia. Tuy nhiên, bình luận viên Lisa Lerer của NY Times đặt câu hỏi rằng liệu chúng có còn "hợp thời" hay không, bởi giờ đây khi Biden nhắc đến hợp tác lưỡng đảng, nhiều người trong phe Dân chủ lặng lẽ đảo mắt.
4 năm qua, hơn 1/4 số ghế tại Thượng viện đã đổi đảng, bao gồm 5 thượng nghị sĩ Cộng hòa từng ca ngợi Biden trong sự kiện hồi tháng 12/2016. Nhiều thành viên mới gia nhập Thượng viện trong bối cảnh chính trị phân cực sâu sắc dưới thời cựu tổng thống Donald Trump. Họ chưa từng làm việc trong một Thượng viện tích cực trong các quyết sách hơn.
Một số phụ tá thân cận của Biden tin rằng vụ bạo loạn ở Đồi Capitol hôm 6/1, do đám đông ủng hộ Trump gây ra, đã khiến nội bộ đảng Cộng hòa thay đổi theo hướng tích cực hơn, thúc đẩy các nghị sĩ cùng nhau hợp tác. Tuy nhiên, rất nhiều dấu hiệu cho thấy tầm ảnh hưởng của Trump trong đảng vẫn tồn tại.
Bình luận viên Lerer chỉ ra rằng chủ nghĩa Trump không biến mất bất chấp mức tín nhiệm lao dốc của ông đối với các đảng viên Cộng hòa sau vụ bạo loạn. Bằng chứng là hàng loạt quan chức, lãnh đạo địa phương và cử tri Cộng hòa vẫn tin vào những cáo buộc của Trump về gian lận bầu cử, coi Biden là tổng thống bất hợp pháp.
Theo Lerer, họ đang đe dọa nỗ lực của chính những đảng viên Cộng hòa hợp tác với Biden, đồng thời gây phức tạp hóa tính toán chính trị của các nghị sĩ quốc hội, bao gồm vài người sẽ tái tranh cử vào năm sau như Thượng nghị sĩ Rob Portman của Ohio và Lisa Murkowski của Alaska.
Kế hoạch cứu trợ Covid-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ USD của Biden cũng vấp phải phản ứng hoài nghi từ phe Cộng hòa, gồm cả một số nghị sĩ trung lập từng giúp xây dựng gói kích cầu được Trump thông qua cuối năm ngoái. Roy Blunt, chủ tịch Ủy ban Chính sách của Thượng viện, cho rằng đây không phải mức ngân sách có thể đưa ra để bắt đầu đàm phán.
"Chúng ta vừa thông qua một chương trình trị giá hơn 900 tỷ USD. Trước mắt, tôi không tính đến một chương trình mới", Thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Utah Mitt Romney trả lời báo giới ngay sau lễ nhậm chức của Biden.
Khó khăn trong hợp tác lưỡng đảng còn xuất phát từ chính phe Dân chủ của Biden. Sau 4 năm dưới thời Trump, nhiều đảng viên Dân chủ không còn sẵn lòng thỏa hiệp trong các chương trình nghị sự. Một bộ phận có tiếng nói trong đảng đang thúc đẩy thông qua mức đề xuất cứu trợ Covid-19 của Biden bằng một nghị quyết về ngân sách, cho phép dự luật chỉ cần 51 phiếu ở Thượng viện để được phê duyệt, thay vì 60 phiếu như thông thường.
Trong khi đó, cựu nghị sĩ Reid kêu gọi Biden không tốn quá nhiều thời gian để cố gắng lấy lòng các đồng nghiệp cũ bên phe Cộng hòa. Giống như nhiều đảng viên Dân chủ khác, Reid muốn Biden bãi bỏ luật "filibuster", quy định các bên có quyền tranh luận không ngừng và những dự luật lớn cần ít nhất 60 phiếu để được thông qua, từ đó cho phép phe Dân chủ đạt được mục tiêu với thế đa số mong manh tại Thượng viện.
Chính viễn cảnh này dường như khiến lãnh đạo Cộng hòa McConnell lo lắng, dẫn đến việc ông từ chối ký thỏa thuận về hoạt động của Thượng viện cho đến khi phe Dân chủ đảm bảo không thay đổi các quy tắc. Theo bình luận viên Lerer, quyết định này về cơ bản nhằm kìm hãm lợi thế đa số mà phe Dân chủ mới giành được, trước cả khi những cuộc chiến pháp lý gay gắt bắt đầu.
Biden thường tỏ ra thận trọng về vấn đề loại bỏ "filibuster", dù từng để ngỏ khả năng này trong những tháng cuối của chiến dịch tranh cử. Một số đảng viên Dân chủ cho rằng sự phản đối của McConnell có thể khiến Biden thay đổi quan điểm, khi ông trở nên tuyệt vọng với những chính sách bị đình trệ.
"Theo những gì tôi biết về Joe Biden, ông ấy sẽ vô cùng kiên nhẫn và cố gắng tiếp tục để Thượng viện vận hành như trước đây. Tôi không lạc quan lắm", Reid nói.
Ánh Ngọc (Theo NY Times)