18 tháng sau khi chính quyền Trump ký thoả thuận đình chiến, thâm hụt thương mại của Mỹ vẫn chưa được thu hẹp, hầu hết các khoản thuế quan vẫn được áp dụng và nó vẫn chưa dẫn đến các cuộc đàm phán về các vấn đề kinh tế khác. Tuy nhiên, thương mại hàng hoá song phương là một lĩnh vực ổn định trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước tiếp tục xấu đi với các những căng thẳng về nguồn gốc đại dịch, các vấn đề liên quan đến Hong Kong, Đài Loan...
Tháng 2 năm ngoái, kim ngạch thương mại Mỹ - Trung giảm xuống 19 tỷ USD khi Trung Quốc phải đóng cửa phần lớn nhà máy vì dịch bệnh. Nhưng theo dữ liệu chính thức của Trung Quốc, con số này đã phục hồi lên kỷ lục mới trong năm qua. Sự bùng nổ dường như sẽ vẫn tiếp tục khi Trung Quốc mua hàng triệu tấn nông sản của Mỹ năm nay và năm sau, cũng như việc người tiêu dùng Mỹ mắc kẹt tại nhà vẫn mua sắm với số lượng kỷ lục.
Hoạt động thương mại nhộn nhịp trở lại bất chấp dự đoán thuế quan với hàng trăm tỷ USD hàng hoá Trung Quốc sẽ buộc chia tách các chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, cả hai bên đã học được cách chung sống với các loại thuế. Các công ty Trung Quốc mua nhiều hơn để đáp ứng các điều khoản của thoả thuận thương mại năm 2020. Trong khi, phía Mỹ mua hàng hoá mà không thể mua ở nơi khác để đáp ứng nhu cầu của các hộ gia đình gia tăng - nhờ gói kích thích hàng nghìn tỷ USD của chính phủ.
"Chúng tôi đã thấy nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ đang diễn ra trong suốt đại dịch và nhập khẩu cũng tăng tăng vọt. Đó là một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy nền kinh tế tiếp tục phục hồi", Jonathan Gold, Phó chủ tịch chuỗi cung ứng và chính sách hải quan tại National Retail Federation cho biết. Trong cùng kỳ, hàng xuất khẩu từ Hàn Quốc, Đài Loan sang Mỹ cũng tăng mạnh.
Gần một nửa trong số 259 tỷ USD hàng hóa di chuyển ra vào cảng Los Angeles - cảng lớn nhất của Mỹ - liên quan đến Trung Quốc và Hong Kong. Nhu cầu hàng hóa của Mỹ tiếp tục không suy giảm, các lô hàng cập với lượng kỷ lục vào tháng 5 khi các doanh nghiệp bắt đầu bổ sung hàng hoá trước mùa mua sắm Giáng sinh.
"Tất cả đều báo hiệu xu hướng mạnh mẽ nửa cuối năm", Gene Seroka, Giám đốc điều hành cảng Los Angeles cho biết và nói thêm các mặt hàng thời trang mùa thu, tựu trường, Halloween đã cập cảng.
Theo Jonathan Gold, với việc áp thuế với hơn 300 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, nhiều nhà bán lẻ Mỹ đang chọn cách tiết kiệm chi phí và giảm biên lợi nhuận của họ. Một số đang chuyển những chi phí này sang người tiêu dùng.
Các công ty cũng đang giải quyết trình trạng tắc nghẽn hàng hoá ở cảng và chi phí vận chuyển tăng. Số lượng tàu container chờ vào hai cảng Los Angeles và Long Beach, California, đã tăng lên mức cao nhất trong tuần này, trong khi giá vận chuyển giao ngay cho một container 40 feet từ Thượng Hải đến Los Angeles cao gấp 3 lần một năm trước.
"Thuế quan và chi phí vận chuyển tăng lên đều ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp. Họ đã ghi nhận chi phí tăng đáng kể từ cuộc chiến thương mại và cuộc khủng hoảng giao thông vận tải mà chúng ta đang chứng kiến", Gold nói.
Chính quyền Biden hiện chưa cho biết liệu có tiếp tục thực hiện thỏa thuận hay không và đang cân nhắc về chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc. Trong khi, đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai đang gọi mối quan hệ thương mại này là "không cân bằng", còn Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nói rằng thỏa thuận này không giải quyết vấn đề cơ bản với Trung Quốc và triển vọng là không thuận lợi.
Ngoài những căng thẳng này, các mục tiêu mua hàng của Trung Quốc sẽ hết hạn vào cuối năm nay. Đồng thời, Bắc Kinh cũng đang ở phía sau so với những gì họ đã cam kết. Những mục tiêu đó ban đầu được coi là cao phi thực tế và các vấn đề như đại dịch Covid-19 hay máy bay Boeing 737 Max phải dừng hoạt động càng khiến chúng xa tầm với.
Ngay cả khi thỏa thuận bị hủy bỏ, bài học từ bốn năm qua cho thấy việc ngăn chặn hoặc chuyển hướng thương mại quốc tế rất khó. Theo Chad Bown, thành viên cao cấp tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson, thoả thuận giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới "khá không liên quan" ở giai đoạn này khi Trung Quốc không đạt các mục tiêu mua hàng, hạn chế mua máy bay và các công ty chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Mỹ để né thuế quan.
"Trung Quốc mua những gì họ cần. Nếu Trung Quốc mua nhiều hàng hoá của Mỹ, thì có lẽ họ đang làm như vậy vì lợi ích của chính họ", Brown nhận xét.
Tú Anh (theo Bloomberg)