Tuần trước, công ty sản xuất chip bán dẫn TSMC của Đài Loan tuyên bố sẽ chi 12 tỷ USD để xây dựng nhà máy tại bang Arizona, Mỹ. Nhà máy sẽ thu hút 1.600 nhân viên công nghệ cao, khai trương vào 2024.
Việc lôi kéo TSMC về phía Mỹ trở nên quan trọng vì vi mạch đang trở thành mặt trận chính trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Huawei đã bị "cấm cửa" bởi hầu hết các mạng viễn thông Mỹ không được sử dụng linh kiện của Huawei và smartphone của Huawei cũng không được cài các ứng dụng của Google.
Tuy nhiên, người Mỹ vẫn lo ngại cán cân công nghệ toàn cầu dịch chuyển về phía Đông. Vì vậy, Nhà Trắng đã dùng nhiều cách để hạn chế sự lớn mạnh của Huawei ngoài Trung Quốc. Từ năm ngoái, chính quyền Tổng thống Trump đã đưa Huawei vào danh sách đen xuất nhập khẩu của Mỹ. Các công ty công nghệ nước này cũng bị hạn chế giao dịch với Huawei.
Quan trọng hơn, Mỹ đã tách Huawei khỏi ngành sản xuất vi mạch nước mình. Các công ty như Qualcomm - nơi cung cấp hầu hết chip cho smartphone tầm trung; Micron - nơi sản xuất bộ nhớ flash và hàng loạt công ty sản xuất linh kiện smartphone của Mỹ như Skyworks, Qorvo, Infineon, Western Digital... đều từ chối hợp tác với Huawei.
Đáp lại động thái này của Mỹ, Huawei đã tự bù đắp những linh kiện thiếu sót bằng sản phẩm "cây nhà lá vườn". Thậm chí phần quan trọng nhất của smartphone là hệ điều hành họ cũng đã tự làm và tham vọng xây dựng cả hệ sinh thái để cạnh tranh với Apple, Google. Nhiều chuyên gia công nghệ gọi đây là thành quả của nhiều năm phát triển "Thung lũng Silicon phiên bản Trung Quốc" và coi đây là hành vi trộm cắp chất xám.
Bất chấp các cấm vận, mảng smartphone của Huawei vẫn có thể tồn tại mà không cần đến các công ty công nghệ ở thung lũng Silicon. Điều này thậm chí dẫn đến một bước ngoặt mới, các công ty công nghệ Trung Quốc sẽ đẩy nhanh tiến trình tự sản xuất chip để cạnh tranh trực tiếp với Mỹ.
Trong nhiều năm, Mỹ luôn coi ngành công nghiệp bán dẫn là mũi nhọn quan trọng. Trong khi đó, Trung Quốc cũng nhận thức được điểm yếu của mình. Bắc Kinh đang chỉ hàng tỷ USD để bắt kịp Mỹ với hi vọng sẽ đáp ứng được 70% nhu cầu tiêu dùng vào 2025. Nhưng Mỹ đã có hàng thập kỷ dẫn đầu và họ quyết tâm giữ vững vị thế của mình. Động thái cấm vận Huawei không chỉ làm chậm tham vọng của Trung Quốc mà còn khuyến khích các công ty đưa nhà máy về Mỹ nhiều hơn nhằm đảm bảo không bị "đánh cắp" công nghệ.
Lý do vì sao nhà máy TSMC được xây dựng tại Mỹ lại được đón nhận nồng nhiệt như vậy. Nguyên nhân là Trung Quốc đang nhanh chóng xây dựng nhà máy sản xuất chip bán dẫn của riêng mình. Trong khi Mỹ lại đang phụ thuộc quá nhiều vào Đài Loan, nơi rất gần Trung Quốc.
Nhưng với TSMC, họ nhìn sự kiện này theo hướng khác. Xây dựng một nhà máy sản xuất ở Mỹ đơn giản chỉ là trò "thả con săn sắt bắt con cá rô". Họ sẽ có cơ hội tiếp cận với đơn hàng chip khổng lồ của Apple mỗi năm. Công ty Đài Loan xem đây là một cơ hội "Trời cho" để họ mở rộng ảnh hưởng về phía Tây. Nhờ có cuộc chiến tranh thương mại này, đường đến "xứ cờ hoa" của một công ty công nghệ Đài Loan chưa bao giờ thênh thang hơn thế.
Ngay cả một công ty công nghệ nằm ngoài cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là Samsung cũng được hưởng lợi bất ngờ. Gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc vô tình được trao cơ hội vàng khi TSMC để lại khách hàng tiềm năng là Huawei. Trong nhiều năm liền, Samsung luôn ôm tham vọng chạy đua với TSMC trong ngành công nghiệp chip bán dẫn. Bây giờ là thời cơ để họ chớp cơ hội và bứt phá.
Không chần chừ, chỉ một tuần sau lệnh cấm của Bộ Thương mại Mỹ, Samsung đã công bố kế hoạch xây dựng các nhà máy gia công bán dẫn mới ở Pyeongtaek, phía nam Seoul nhằm sản xuất dòng chip bán dẫn hiện đại tiến trình 5 nm. Dự kiến nhà máy này sẽ đi vào hoạt động từ nửa cuối năm nay.
Rõ ràng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ban đầu khiến các công ty công nghệ bị xáo trộn. Nhưng khi bình tĩnh, họ đã tìm thấy cơ hội của mình. Thung lũng Silicon chiêu mộ thêm được những nhân tài mới, trong khi các công ty phía Đông lại tranh thủ mở rộng tầm ảnh hưởng của mình đến phương Tây.
Khương Nha