Huawei là một trong các công ty cung cấp thiết bị và giải pháp hạ tầng mạng di động hàng đầu thế giới. Việc doanh nghiệp Trung Quốc bị từ chối hợp tác tại nhiều quốc gia sẽ là cơ hội cho những cái tên kinh doanh ở lĩnh vực tương tự vượt lên.
Trong số đó, Ericsson là đối thủ lớn nhất của Huawei. Cả hai đang có cuộc đua song mã trên thị trường thiết bị viễn thông. Nếu doanh nghiệp Trung Quốc tiếp tục bị cấm, hãng viễn thông Thụy Điển hoàn toàn có thể vượt lên, đặc biệt là trong công nghệ 5G.
Nokia cũng là hãng viễn thông lớn. Lượng khách hàng sau khi chia tay Huawei được dự đoán cũng sẽ chuyển sang công ty Phần Lan. Bên cạnh đó, mảng di động của Nokia, dù đã bán cho HMD Global cũng hưởng lợi nhờ bớt đi sự cạnh tranh từ smartphone Huawei.
Cũng trên thị trường smartphone, Samsung nhiều khả năng sẽ loại bỏ được "kẻ bám đuổi" Huawei. Cuối 2018, hãng điện thoại Trung Quốc đã vượt qua Apple để đứng thứ hai thế giới, trực tiếp đe dọa vị thế dẫn đầu của công ty điện tử Hàn Quốc.
Trên mặt trận vi xử lý, MediaTek có cơ hội bán nhiều sản phẩm hơn. Năm ngoái, doanh nghiệp Đài Loan này đạt doanh số 1,5 tỷ chip. Huawei vẫn sử dụng model Kirin "cây nhà lá vườn" cho smartphone của mình. Nhưng nếu bị cấm, khả năng cao hãng phải chọn MediaTek bởi đã bị Qualcomm từ chối hợp tác.
Bên cạnh đó cũng có nhiều công ty công nghệ khác phải gánh chịu thiệt hại khi Mỹ đưa Huawei vào "danh sách đen". Qualcomm có thể mất đi đối tác lớn ở mảng cung cấp chip vi xử lý ở cả lĩnh vực smartphone lẫn cơ sở hạ tầng di động. Doanh nghiệp Mỹ chưa bao giờ công bố giá sản phẩm, nhưng một số nguồn tin giấu tên tiết lộ rằng mỗi chip xử lý cho điện thoại có giá 100 USD, còn chip trạm lên tới 10.000 USD. Đó là lý do vì sao cổ phiếu Qualcomm tăng khi "làm hòa" với Apple, nhưng lại giảm khi có lệnh cấm Huawei.
Google cũng có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Là hãng smartphone thứ hai thế giới, Huawei dùng 100% hệ điều hành Android trên sản phẩm của mình. Việc "nghỉ chơi" với công ty Trung Quốc nhiều khả năng sẽ khiến thị phần nền tảng di động này giảm sút. Đó là chưa kể con đường quay lại thị trường đông dân nhất thế giới của hãng tìm kiếm thêm phần khó khăn.
Apple là doanh nghiệp Mỹ, nhưng đối tác hỗ trợ sản xuất iPhone, iPad, MacBook... chủ yếu đặt nhà máy ở Trung Quốc do chi phí nhân công tại đây rẻ hơn. Chiến tranh thương mại diễn ra có thể khiến Apple phải dời nhà máy sang nước khác, hoặc tăng giá bán sản phẩm do mức thuế mới bị áp đặt cao hơn. Cả hai trường hợp trên đều không có lợi cho công ty có trụ sở ở Cupertino (Mỹ).
Ngày 15/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông mà Bộ Thương mại coi là rủi ro với an ninh quốc gia. Ngay sau đó, Bộ thương mại Mỹ đưa Huawei và khoảng 68 chi nhánh vào danh sách cấm mua các bộ phận và linh kiện từ Mỹ. Rất nhiều công ty Mỹ sau đó cũng ngưng quan hệ đối tác với hãng điện tử Trung Quốc.
Bảo Lâm (theo Forbes)