Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Thị Minh Nguyệt khuyến cáo bệnh còi xương có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm và ảnh hưởng đến quá trình phát triển toàn diện của trẻ. Vì vậy, chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bé còi xương là rất cần thiết để tránh những hệ lụy.
Bác sĩ giải thích, nguyên nhân chủ yếu gây còi xương ở trẻ em là thiếu tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, sinh thiếu cân, sinh non. Tình trạng này cũng thường gặp ở các bé không được bú sữa mẹ, bị hội chứng kém hấp thu và suy dinh dưỡng dẫn đến thiếu hụt hàm lượng vitamin D, canxi cùng các khoáng chất cần thiết cho việc hình thành cấu trúc xương của cơ thể.
Để giúp trẻ phát triển tốt và xương chắc khỏe, bác sĩ khuyên người mẹ trong thời gian mang thai và cho con bú cần được tắm nắng thường xuyên, hoạt động ngoài trời, bổ sung thực phẩm giàu vitamin D và canxi. Trẻ sinh ra cần được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Các bé không bị còi xương cũng cần tắm nắng khoảng 10 đến 15 phút vào buổi sáng mỗi ngày, giúp tiền tố vitamin D trên da chuyển thành vitamin D tốt cho sự phát triển của trẻ.
Trẻ em trên 6 tháng, bên cạnh tắm nắng hàng ngày cần được bổ sung thức ăn giàu canxi và khoáng chất như tôm, cua, cá, trứng, rau xanh, đậu, sữa và chế phẩm từ sữa. Cho trẻ ăn đủ lượng chất béo, dầu, mỡ để hấp thu vitamin D và các vitamin tan trong dầu.
Bác sĩ gợi ý thực phẩm nhiều canxi nên bổ sung vào chế độ dinh dưỡng cho trẻ còi xương gồm vừng đen, rau ngót, rau đay, rau muống, cua, tép khô, ốc, tôm, cá mè, lòng đỏ trứng, hến, sữa bò tươi, sữa chua. Cha mẹ nên quan tâm đến các biến đổi của bé để có cách điều chỉnh kịp thời. Khi trẻ bị bệnh còi xương, ngoài chế độ dinh dưỡng, tham khảo ý kiến của bác sĩ để có phương pháp điều trị khoa học giúp trẻ phát triển khỏe mạnh, cao lớn và có vóc dáng chuẩn khi trưởng thành.
Thi Trân