Mặc dù nguyên nhân chính xác của chứng bệnh về não Alzheimer vẫn còn là một bí ẩn trong ngành y, song nghiên cứu công bố gần đây của Viện Khoa học Hàn lâm quốc gia Mỹ đã chỉ ra một thủ phạm tiềm năng: những hóa chất độc hại có tên là AGEs được phát tán với hàm lượng lớn từ thực phẩm nấu chín ở nhiệt độ cao (như chiên hoặc nướng).
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra AGEs liên kết với các tế bào viêm có thể gây ra các bệnh mãn tính như tim mạch. Từ đó họ dồn công sức tìm hiểu xem AGEs có ảnh hưởng như thế nào đến chức năng nhận thức của con người.
Đầu tiên, nhóm nhà khoa học đã cho một đàn chuột ăn chế độ thực phẩm có chứa nhiều AGEs ở mức độ khác nhau và các hóa chất tương tự như trong chế độ ăn thịt đặc trưng của người phương Tây. Kết quả ghi nhận, những con chuột có chế độ ăn gần giống với chế độ ăn phổ biến của người Mỹ bắt đầu xuất hiện những vấn đề về nhận thức điển hình của chứng mất trí. Trong khi đó, những con chuột được ăn thực phẩm chứa ít AGEs hơn thì không có những thay đổi đáng kể nào ở não.
Sau đó, các nhà khoa học đã nghiên cứu vấn đề này trên 93 người từ 60 tuổi trở lên. Theo dõi lâm sàng cho thấy, nhóm người già có hàm lượng AGEs trong máu cao thì xuất hiện nhiều rối loạn trong nhận thức cũng như tình trạng đề kháng insulin cao hơn. Đó là một dấu hiệu của chứng chuyển hóa (tiền thân của bệnh tiểu đường được cho rằng có liên quan đến chứng mất trí).
Cần có thêm nhiều nghiên cứu nữa để khẳng định AGEs đóng vai trò như thế nào trong quá trình gây ra bệnh Alzheimer và các bệnh liên quan đến nhận thức hoặc hội chứng chuyển hóa. Trước mắt, các nhà khoa học khuyên những ai quan tâm đến việc phòng tránh căn bệnh này thì nên tránh xa các loại thực phẩm chiên, đặc biệt là những người có sở thích ăn phô mai, khoai tây chiên. Thay vào đó, hãy tiêu thụ những thức ăn được nấu chín bằng phương pháp đòi hỏi nhiệt độ thấp hơn như xào, luộc...
Thi Trân (Womenshealthmag)