Trong nghiên cứu kéo dài 5 năm, các nhà khoa học ĐH Georgetown (Washington DC, Mỹ) đã thu thập và phân tích mẫu máu từ 525 người trên 70 tuổi. Sau đó, họ xem xét mẫu máu của 53 người có dấu hiệu phát triển bệnh Alzheimer hoặc suy giảm nhận thức dạng nhẹ và so sánh với mẫu máu của 53 người bình thường.
Kết quả cho thấy có sự khác biệt về nồng độ của 10 loại lipid (chất béo) giữa 2 nhóm. Điều này giúp các nhà nghiên cứu dự đoán ai có khả năng mắc các chứng sa sút trí tuệ trong những năm kế tiếp.
Các chuyên gia đánh giá, đây là "một bước tiến to lớn", hỗ trợ tích cho điều trị ngay từ giai đoạn đầu để kiềm chế bệnh phát triển.
Tiến sĩ Simon Ridley từ Tổ chức nghiên cứu Alzheimer Anh quốc cho rằng, phương pháp này còn hữu ích trong kiểm tra hiệu quả của các loại thuốc điều trị bệnh mất trí nhớ.
“Để kiểm tra hiệu quả của những loại thuốc mới, điều quan trọng là thuốc phải được thử nghiệm lâm sàng trên những người mắc bệnh ở giai đoạn đầu. Xét nghiệm này sẽ là công cụ đắc lực trong chẩn đoán sớm Alzheimer, cho phép mọi người mắc bệnh có được điều trị kịp thời”, ông nói.
Theo thông tin đăng trên tập san Nature Medicine, phương pháp chẩn đoán sớm mất trí nhớ bằng xét nghiệm máu sắp được đưa vào thử nghiệm lâm sàng ở quy mô lớn hơn. Đồng thời, các nhà khoa học sẽ tiếp tục đào sâu nghiên cứu để nâng cao hiệu lực của phương pháp này, nhằm phát hiện bệnh sớm hơn nữa.
Hiện nay, trên thế giới có 44 triệu người phải chung sống cùng hội chứng suy giảm trí nhớ. Con số này dự đoán tăng lên gấp 3 lần vào năm 2050.
Hội chứng suy giảm trí nhớ (Dementia) là thuật ngữ mang tính khái quát về khoảng 100 căn bệnh, trong đó các tế bào não bị hủy hoại với số lượng rất lớn. Bệnh gây tổn thương trí nhớ, khả năng ngôn ngữ, khả năng hiểu và đánh giá thông tin cũng như sự linh hoạt về tâm thần. Trong số đó, Alzheimer là dạng phổ biến nhất, chiếm 62% trường hợp. Bệnh sẽ diễn tiến nặng hơn theo thời gian, khiến nạn nhân phải lệ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc của người khác.
Nguy hiểm hơn, căn bệnh lặng lẽ tấn công não bộ con người hơn 10 năm trước khi người bệnh xuất hiện triệu chứng. Do đó, việc điều trị bằng thuốc không mang lại kết quả như mong đợi bởi hầu hết bệnh nhân đều được phát hiện quá muộn. Vì vậy, phát triển một phương pháp dự đoán nguy cơ mắc bệnh ngay từ sớm luôn là ưu tiên hàng đầu trong nghiên cứu điều trị căn bệnh này.
Thu Hiền (Theo BBC)