Chỉ đạo này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu trong công điện ngày 11/11. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương có ngay biện pháp, chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối cung cấp đầy đủ xăng dầu, đảm bảo không để thiếu và khắc phục tình trạng thiếu hụt mặt hàng này từ ngày 12/11.
Bộ Công Thương cũng cần kiểm tra, giám sát việc bảo đảm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu của các thương nhân; rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu theo trình tự, thủ tục rút gọn. Việc sửa đổi nghị định này phải bảo đảm khả thi, đáp ứng thực tiễn, quản lý nhà nước và hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân doanh nghiệp.
Bộ trưởng Tài chính định kỳ trước ngày 20 hàng tháng phải rà soát, thống kê các chi phí liên quan đến kinh doanh xăng dầu và chủ động xem xét điều chỉnh. Chi phí này vừa được cập nhật, điều chỉnh vào giá cơ sở tại kỳ điều hành hôm qua, nhưng lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục tính toán, điều chỉnh tiếp các chi phí vào kỳ điều hành ngày 21/11.
Riêng Ngân hàng Nhà nước phải hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho từng doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tiếp cận được nguồn vốn tín dụng.
Với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cần chỉ đạo Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn - đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất, có phương án phân phối xăng dầu hợp lý, ưu tiên nhu cầu mua hàng của doanh nghiệp đã và đang nhập khẩu xăng dầu để hỗ trợ bù đắp chi phí.
Chỉ đạo của Thủ tướng được đưa ra trong bối cảnh thị trường trong nước những ngày qua vẫn thiếu hụt, khan hiếm nguồn hàng xăng dầu. Loạt cửa hàng bán lẻ đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh hoặc bán nhỏ giọt tại một số tỉnh, thành phố phía Nam, sau đó lan ra các địa phương phía Bắc. Người dân tại nhiều đô thị như Hà Nội, hơn một tuần qua phải xếp hàng dài, chờ đợi tới đêm để mua xăng, dầu.
Ông Trần Văn Lâm, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách cho rằng hiện tượng cây xăng đóng cửa, người dân xếp hàng dài mua nhiên liệu là bất thường. Theo ông, để xảy ra đứt gãy, thiếu hụt nguồn cung là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong nắm bắt thông tin, điều phối thị trường và nguồn cung một cách hài hòa, hợp lý.
Cuối giờ chiều 11/11, Phó thủ tướng Lê Minh Khái và Lê Văn Thành đã chủ trì cuộc họp khẩn với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan về tình hình cung ứng xăng dầu.
Chia sẻ sau cuộc họp này với Cổng điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, 10 tháng đầu năm, các doanh nghiệp đã nhập 5,7 triệu tấn xăng dầu, cộng với 12,9 triệu tấn từ hai nhà máy lọc dầu trong nước, nên tổng nguồn cả nước là 18,6 triệu tấn. Mức này đạt khoảng 90% nhu cầu tiêu dùng cả năm (20-20,5 triệu tấn). Theo đó, ông Diên khẳng định không thiếu xăng dầu, song thực tế thị trường vẫn ghi nhận đứt gãy ở một số phân khúc.
Vì vậy, ông Diên cho hay Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, cùng các bộ, ngành, địa phương tăng kiểm tra, giám sát, xử lý các hành vi đầu cơ, trục lợi, găm hàng chờ tăng giá...
Cuộc họp thống nhất nguyên nhân chính của hiện tượng thiếu xăng dầu vừa qua, là do các định mức chi phí, chi phí kinh doanh xăng phát sinh nhưng chưa được cập nhật đầy đủ, kịp thời trong công thức tính giá cơ sở. Do đó, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, rà soát và cập nhật các chi phí phát sinh thực tế đó để liên bộ điều hành giá bán lẻ phù hợp với diễn biến của thị trường thế giới.
Chính phủ cũng giao cho liên bộ điều hành hợp lý, sử dụng hiệu quả công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, góp phần ổn định thị trường trong nước.