Điểm đến tiếp theo của Hạnh là cây xăng trên đường Lạc Trung (quận Hai Bà Trưng) tình hình cũng không khá khẩm hơn khi chỉ hai trụ bơm hoạt động, nhiều người than thở đã chờ cả tiếng vẫn chưa đến lượt. Cô gái 27 tuổi tiếp tục chạy đến cây xăng trên đường Võ Thị Sáu (quận Hai Bà Trưng) nhưng địa điểm này tạm đóng cửa.
"Khi chiếc xe có dấu hiệu chạy chậm lại vì cạn xăng, tôi thật sự lo lắng, sợ phải dắt bộ lúc nửa đêm", cô kể. Hạnh quyết định chọn 12h đêm đi đổ xăng vì cho rằng thời điểm này sẽ ít người, nhưng thực tế ngược lại.
Gần 1h đêm, cô đến được cây xăng trên đường Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm), nơi cả 4 trụ bơm đang hoạt động. Lượng người xếp hàng đông nhưng Hạnh chờ 5-10 phút là đến lượt và không giới hạn số lít xăng được mua.
Gần 12h đêm, anh Nguyễn Bình, 30 tuổi, tài xế xe ôm công nghệ đang xếp hàng chờ đổ xăng trên đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy. Trước đó, anh đã đi qua 5 cây xăng từ Hà Đông đến Cầu Giấy nhưng chỗ nào cũng đông nghịt người.
Mấy hôm nay anh Bình chọn nửa đêm và rạng sáng để đi mua xăng, hy vọng không phải xếp hàng quá lâu. Nhưng những người cùng suy nghĩ với anh không ít nên tình trạng xếp hàng chờ đợi giữa đêm cũng đông không kém ban ngày.
"Ngày trước, sau 11 giờ đêm các cây xăng vắng, tôi mất vài phút để đổ đầy bình, còn giờ hôm nào nhanh nhất cũng phải chờ 15 phút. Dù sao xếp hàng ban đêm cũng đỡ mệt mỏi, tránh nắng nóng và không ảnh hưởng đến hiệu suất công việc", nam tài xế nói.
Ghi nhận của phóng viên VnExpress từ nửa đêm đến rạng sáng ngày 11/11 cho thấy, các cửa hàng thuộc Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) trên các đường Tây Sơn, Láng (quận Đống Đa), Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Phong Sắc, Xuân Thủy (quận Cầu Giấy), Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm), Hàng Bún (quận Ba Đình), Tam Trinh (quận Hoàng Mai) đều đông người xếp hàng. Đa phần các cây chỉ mở hai trụ bơm cho xe máy và hai trụ cho ô tô.
Nhiều người nói rằng đã đợi cả tiếng chưa đến lượt. Hơn 1h sáng, lượng người đến các cây xăng giảm nhưng vẫn chờ trung bình 5-10 phút.
Tình trạng cây xăng khan hàng, hết xăng hoặc dầu tại Hà Nội, TP HCM và một số địa phương đã kéo dài vài tuần gần đây. Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu phản ánh chiết khấu (mức doanh nghiệp đầu mối cắt lại cho thương nhân, đại lý bán lẻ) vẫn rất thấp, và việc nhập hàng từ đầu mối khó khăn, nhỏ giọt.
Tại Hà Nội, hai hôm trước thời điểm điều chỉnh giá, một số cây xăng treo biển "hết xăng, còn dầu"; số khác thì hạn chế lượng bán 30.000 - 50.000 đồng với mỗi lần đổ cho xe máy, thậm chí có cây xăng từ chối bán cho ôtô với lý do "hàng nhập được ít".
Thông báo hôm 8/11 từ Petrolimex cho biết, 96 cửa hàng bán lẻ của công ty bắt đầu mở bán 24/24 đến hết ngày 13/11, nhằm phục vụ người tiêu dùng tại Hà Nội, khi những ngày qua xuất hiện tình trạng người dân dồn về các cửa hàng mua nhiên liệu tăng đột biến.
Một nhân viên bán xăng trên đường Trần Quang Khải cho biết, lượng khách đến đổ xăng tăng mạnh trong hai tuần qua. "Lúc trước chỉ qua 12 giờ đêm gần như không có khách, nay chúng tôi phải làm việc xuyên đêm, 1-2h sáng vẫn đông người mua và chỉ vắng hơn một chút vào rạng sáng", vị này nói.
Chia sẻ với VnExpress hôm 2/11, Tiến sĩ Hồ Quốc Thông, Khoa Kinh tế, ĐH Kinh tế TP HCM cho biết: "Tình cảnh chờ đợi kéo dài ở các cây xăng và phân phối hạn mức gây mất thời gian, tiền bạc và ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý. Nhiều người bị ảnh hưởng đến thu nhập và chất lượng cuộc sống... chỉ vì chờ đến lượt đổ xăng, thậm chí chờ mà không đổ được".
Anh Lâm Dũng, ở đường Trần Đăng Ninh (quận Cầu Giấy) là ví dụ. Tranh thủ mua xăng lúc nửa đêm do bận công việc, tan làm lại đón con, nhưng người đàn ông 40 tuổi vẫn phải quay về không bởi chờ hơn một tiếng vẫn chưa đến lượt.
"Hơn 10 giờ tối, tôi ra cây xăng gần nhà trên đường Nguyễn Phong Sắc vì nghĩ sẽ vắng, nhưng thấy hai hàng xe máy dài đến 50 m đứng chờ, tràn cả ra đường nên đành quay về. 11h30 đêm tôi ra lần hai, lượng người có giảm nhưng phía trước phải cả vài chục xe đứng chờ, nếu đến lượt chắc mất cả tiếng. Quá kinh khủng", anh Dũng kể.
Trước đó, anh từng đi đến 3-4 cây xăng khác gần nhà nhưng đều đông người xếp hàng hoặc tạm đóng cửa.
Mệt mỏi vì chờ đợi, anh Dũng nói sẽ quay lại lúc 5 giờ sáng. "Đó là khung giờ cuối cùng tôi hy vọng sẽ vắng người. Còn nếu vẫn đông, tôi đành đặt xe công nghệ đi làm chứ cũng hết cách", người đàn ông 40 tuổi thở dài.
Ngoài việc lựa chọn đổ xăng lúc rạng sáng vì không muốn xếp hàng, mua xăng tự phát bán giá cao, Thanh Tâm, 29 tuổi, ở quận Cầu Giấy, đã khảo sát tình hình đổ xăng tại các cửa hàng trên mạng xã hội và qua bạn bè. "Tôi sẽ tránh tất cả các địa điểm được cảnh báo đông và ưu tiên các cây mở 24/24 gần nhà", cô nói.
Nhưng Tâm không ngờ ngay cả những cây xăng không nằm trong danh sách phải xếp hàng, vẫn chờ đến 15 phút mới đến lượt đổ. "Có vẻ các cây xăng đều kín người bất kể ngày đêm. Tôi hy vọng chuỗi ngày mòn mỏi chờ được đổ xăng sẽ sớm kết thúc", cô gái 29 tuổi nói.
Còn với Hồng Hạnh, nếu tình hình xếp hàng chờ đổ xăng kéo dài, cô sẽ tính phương án mua xe điện để đi làm. "Dù sao xe điện có thể sạc tại nhà, thuận tiện di chuyển và giúp tôi tiết kiệm thời gian", Hạnh nói.
Quỳnh Nguyễn