Chia sẻ này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu khi kết luận hội nghị trực tuyến làm việc cùng các doanh nghiệp, hiệp hội ngày 8/8.
Thủ tướng nhấn mạnh, trong lúc này, ưu tiên số 1 trên cả nước là khống chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, những nơi nào an toàn thì tiếp tục duy trì và đẩy mạnh sản xuất. Cùng đó, mục tiêu cao nhất là "không để khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng y tế, lấy sức khoẻ, tính mạng người dân là trên hết, trước hết và phấn đấu đưa đất nước trở lại bình thường trong thời gian nhanh nhất".
Hội nghị này diễn ra trong bối cảnh nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, khó khăn chồng chất, nguy cơ đứt gãy chuỗi sản suất, cung ứng...
Thủ tướng cho rằng, trong khả năng của mình, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đã rất cố gắng tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ các doanh nghiệp về cơ chế chính sách để duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất. Khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp sẽ còn rất nhiều và cần giải pháp tháo gỡ kịp thời để phục hồi sản xuất.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nói tới đây ông sẽ gặp doanh nghiệp từng lĩnh vực, ngành hàng để bàn sâu hơn, có giải pháp phù hợp hơn. "Chính phủ luôn đồng hành, quan tâm, hỗ trợ và giúp đỡ doanh nghiệp lúc khó khăn, trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro cùng chia sẻ" , Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị Bộ Kế hoạch & Đầu tư tiếp thu tất cả những ý kiến xác đáng, tâm huyết, trách nhiệm tại hội nghị để trình Chính phủ ban hành một Nghị quyết về phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay.
Cùng đó, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết về một số giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, để thực hiện theo Nghị quyết số 30 của Quốc hội.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư tại hội nghị cũng cho thấy "gam màu xám" trong bức tranh doanh nghiệp hiện nay. 7 tháng đầu năm, số doanh nghiệp chờ giải thể là 28.038, tăng gần 29% so với cùng kỳ 2020. Số doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể là 11.384, tăng hơn 27% so với cùng kỳ 2020. Bình quân mỗi tháng có khoảng 11.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
"Dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận xét.
Số liệu báo cáo của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cũng cho thấy rõ hơn bức tranh về "sức khoẻ" của doanh nghiệp trong đại dịch. Hết tháng 7, tổng số tiền bị nợ do ngành này quản lý ước trên 116.800 tỷ đồng, tăng gần 23% so với thời điểm cuối năm 2020 và tăng 0,8% so với thời điểm cuối tháng 6.
"Các doanh nghiệp vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Các nguồn lực dự trữ đang cạn dần trong khi thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm", Bộ trưởng cho hay.
Ông nói thêm, điều họ mong mỏi nhất từ phía cơ quan chính quyền là đơn giản hoá thủ tục, đảm bảo minh bạch, rõ ràng, nhất quán trong thực thi các quy định, chính sách phòng, chống dịch.
Ở khía cạnh này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, "chúng ta cần có các biện pháp chống dịch quyết liệt, kịp thời và hiệu quả để bảo vệ sức khỏe, tính mạng và ổn định đời sống người dân cũng như phục hồi sản xuất kinh doanh, nỗ lực không để đứt gãy chuỗi cung ứng".
Nêu quan điểm hỗ trợ doanh nghiệp thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần tiếp tục quán triệt tinh thần "chống dịch như chống giặc".
Với nhóm các chính sách, giải pháp cấp thiết cần làm ngay, ông Dũng đề xuất phân bổ hợp lý, hiệu quả nguồn vaccine phòng Covid-19, trong đó bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm ở những khu vực có nguy cơ dịch bệnh cao (chuỗi cung ứng, công nhân trong các khu, cụm công nghiệp, lao động trong một số lĩnh vực có tiếp xúc cao).
Nghiên cứu cơ chế cho phép doanh nghiệp tự mua dụng cụ, chủ động tự xét nghiệm và thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp ngành y tế (vaccine, dược phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế). "Đây là chính sách mang tính chiến lược cho cả trước mắt và dài hạn", ông Dũng nhấn mạnh.
Để chuỗi cung ứng không bị gián đoạn cần đảm bảo dòng chảy lưu thông hàng hoá là rất quan trọng. Việc tổ chức "luồng xanh" vận tải hàng hoá do đó phải trên nguyên tắc giảm thiểu các thủ tục, nhanh nhất, thuận lợi nhất thông qua ứng dụng công nghệ kiểm soát điều kiện đi lại cho phương tiện, người lao động.
Theo ông Dũng, muốn duy trì sản xuất, doanh nghiệp cần có dòng tiền. Một trong số chính sách tạo dòng tiền quan trọng từ Chính phủ là các giải pháp tài khoá, tiền tệ cần "sát sườn" hơn, như giảm phí công đoàn, phí bảo trì đường bộ, giá bán điện cho ngành du lịch về dài hạn. Hỗ trợ khoanh nợ, tái cấu trúc, gia hạn các khoản nợ cũ hay giảm lãi suất khoản vay cũ, mới, giảm thuế VAT... cần đẩy nhanh hơn.
Riêng với gói hỗ trợ thuế, phí hiện nay mới giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp (khoảng 20.000 tỷ đồng) và tiền thuê đất khoảng 700 tỷ đồng đang được Bộ Tài chính đề xuất, ông Dũng đề nghị khẩn trương triển khai khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.
Bộ trưởng Dũng cũng cho rằng cần áp dụng linh hoạt và nới lỏng các quy định, điều kiện về việc cấp, gia hạn giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài làm việc cho doanh nghiệp FDI, phù hợp với tình hình thực tế.
Ông đồng thời cho biết, Thủ tướng sẽ sớm thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. "Chính phủ đang nỗ lực để kiểm soát dịch bệnh và dự kiến có thể kiểm soát trong cuối năm nay, khi tiến độ tiêm vaccine được đẩy nhanh và đạt miễn dịch cộng đồng vào quý II năm 2022", ông Dũng nói.
Anh Minh