Ngày 6/8, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có văn bản gửi Bộ Tài chính, góp ý dự án Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về một số giải pháp thu ngân sách, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trước tác động của Covid-19.
Theo dự thảo nghị quyết, gói hỗ trợ từ ngân sách lần này gồm giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 (doanh thu năm không quá 200 tỷ đồng); giảm thuế giá trị gia tăng 30% với doanh nghiệp thuộc một số ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch và miễn tiền chậm nộp phát sinh năm 2020 và 2021 với doanh nghiệp lỗ liên tục 3 năm (2018-2020). Thời hạn hỗ trợ giảm thuế giá trị gia tăng tới 31/12/2021.
Ngoài ra, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh cũng được giảm thuế phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III, IV/2021. Như vậy, thời hạn áp dụng cho các giải pháp hỗ trợ này chỉ giới hạn trong năm 2021.
Trước thực tế khó khăn của doanh nghiệp, VCCI đề nghị, nên kéo dài thời gian hỗ trợ giảm thuế, phí tới hết tháng 6/2022. Bởi theo kế hoạch đến hết quý I/2022 mới có thể tiêm vaccine đạt 70% dân số, tỷ lệ để đạt miễn dịch cộng đồng. Tức là phải đến hết quý I năm sau, các hoạt động kinh tế mới có thể trở lại bình thường mới.
"Việc kéo dài thời gian hỗ trợ chính sách thuế, phí tới giữa năm 2022 sẽ đảm bảo hiệu quả, ổn định chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hộ và cá nhân kinh doanh", Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Ngoài tăng thời gian hỗ trợ, lãnh đạo VCCI cũng đề nghị tăng mức giảm thuế VAT lên 50%, thay vì mức 30% tại dự thảo nghị quyết, với các doanh nghiệp trong lĩnh vực ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh (du lịch, nhà hàng, vận tải, chiếm phim...).
"Mức hỗ trợ này nên nới đến 50% để tạo hiệu ứng tác động lớn hơn, cú huých hồi phục mạnh hơn với các ngành đang chịu ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh", Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam đánh giá.
Về đối tượng giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, VCCI nhận xét, việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 có doanh thu năm không quá 200 tỷ đồng là chưa hợp lý và sẽ loại bỏ một số doanh nghiệp nhỏ và vừa ra khỏi đối tượng được hưởng chính sách. Tổ chức này cho rằng, nên mở rộng mức doanh thu của doanh nghiệp sẽ được giảm thuế khi có tổng doanh thu năm 2020 không quá 300 tỷ đồng, thay vì mức 200 tỷ như dự thảo nghị quyết.
VCCI phân tích, theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017, một trong những tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa là có tổng doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỷ.
Mặt khác, theo Báo cáo đánh giá tác động Covid-19 với doanh nghiệp Việt Nam, thì 65% doanh nghiệp tư nhân, 62% doanh nghiệp FDI bị giảm doanh thu năm 2020. Mức giảm doanh thu trung bình với doanh nghiệp tư nhân là 36%, doanh nghiệp FDI 34%...
Như vậy có thể thấy các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa có mức giảm doanh thu khá lớn, chịu tác động nặng nề bởi dịch Covid-19.
Ngoài các chính sách hỗ trợ thuế, phí nêu tại dự thảo nghị quyết, VCCI kiến nghị, các chi phí về phòng chống, dịch bệnh của doanh nghiệp để duy trì sản xuất, nhất là trong thời kỳ giãn cách tại một số địa phương theo Chỉ thị16 cần được coi là khoản hỗ trợ từ ngân sách, được khấu trừ trong các khoản nộp ngân sách kỳ tiếp sau.
"Đây là giải pháp hỗ trợ trực tiếp và thiết thực dành cho các doanh nghiệp gặp khó khăn về dịch bệnh. Chính sách này cũng rất công bằng. Doanh nghiệp cố gắng cao nhất để thực hiện chủ trương của Chính phủ về duy trì mục tiêu kép thì sẽ được Nhà nước hỗ trợ. Doanh nghiệp nào nỗ lực duy trì được càng nhiều việc làm thì được Nhà nước hỗ trợ càng lớn", theo VCCI.
Nhìn chung, VCCI cho rằng, việc Bộ Tài chính trình Chính phủ, Quốc hội ban hành nhóm giải pháp về thu ngân sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của Covid-19 là quan trọng và rất hữu ích.
Trường hợp nguồn hỗ trợ này ảnh hưởng quá lớn tới thu ngân sách, không cân đối được, theo VCCI, Nghị quyết ấn định một hạn mức hỗ trợ ngân sách tối đa. Điều này giúp gói hỗ trợ nhanh chóng có hiệu lực ngay trên thực tế, với phạm vi đủ lớn, khắc phục khó khăn mà các gói hỗ trợ vừa qua gặp phải, là số công bố lớn song thực tế giải ngân thấp.
Anh Minh