Phát ngôn viên chính phủ Đức hôm 22/6 cho biết Thủ tướng Angela Merkel đã được tiêm vaccine của hãng dược Mỹ Moderna cho liều tiêm thứ hai trong những ngày gần đây.
Nữ Thủ tướng 66 tuổi tiêm liều vaccine đầu tiên của AstraZeneca vào tháng 4, hơn hai tuần sau khi giới chức Đức khuyến cáo chỉ sử dụng loại vaccine này cho những người từ 60 tuổi trở lên.
Hàng triệu liều AstraZeneca đã được sử dụng một cách an toàn ở châu Âu, nhưng những lo ngại vẫn còn về hiện tượng máu đông hiếm gặp ở một số cực ít những người được tiêm.
Hàng chục quốc gia đã tạm dừng sử dụng vaccine AstraZeneca hồi tháng 3 hoặc hạn chế sử dụng vaccine này cho người lớn tuổi. Tuy nhiên, một số nước, bao gồm cả Đức, đã tiếp tục sử dụng đầy đủ hoặc kèm theo các hạn chế sau khi cơ quan quản lý y tế cho biết lợi ích của vaccine lớn hơn bất kỳ rủi ro nào.
Sau khởi đầu trì trệ, việc triển khai tiêm chủng của Đức tăng tốc mạnh mẽ những tuần gần đây. Tính đến 22/6, 51,2% dân số đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên.
Một số chuyên gia tin rằng việc chuyển đổi sang loại vaccine khác ở liều tiêm thứ hai có thể tăng cường khả năng miễn dịch và một số nghiên cứu y tế đang được tiến hành. Một nghiên cứu nhỏ của Anh về kết hợp vaccine cho thấy những người được tiêm Pfizer sau mũi tiêm AstraZeneca, hoặc ngược lại, có nhiều khả năng xuất hiện triệu chứng sau tiêm chủng nhẹ hoặc trung bình hơn so với khi được tiêm hai liều cùng loại.
Đức cùng một số quốc gia đã chọn sử dụng vaccine Pfizer hoặc Moderna cho liều thứ hai sau khi tiêm AstraZeneca.
Ủy ban Cố vấn Quốc gia về Tiêm chủng của Canada tuần trước cho biết những người đã tiêm vaccine AstraZeneca liều đầu tiên nên tiêm Pfizer hoặc Moderna cho mũi thứ hai. Ủy ban ban đầu nói rằng những người tiêm AstraZeneca "có thể" tiêm Pfizer hoặc Moderna cho mũi thứ hai nếu họ muốn, nhưng sau đó khẳng định vaccine Pfizer hoặc Moderna là lựa chọn "ưu tiên".
Huyền Lê (Theo Fox, Al Jazeera)