Thế giới đã ghi nhận 145.291.229 ca nhiễm nCoV và 3.083.649 ca tử vong, tăng lần lượt 858.841 và 12.570, trong khi 123.257.704 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Cơ quan quản lý thuốc và sản phẩm chăm sóc sức khỏe (MHRA) Anh cho biết trong số 21,2 triệu người tiêm mũi đầu tiên của vaccine AstraZeneca tính tới ngày 14/4, 168 ca đông máu đã được phát hiện, trong đó 32 ca tử vong.
So với dữ liệu được thống kê tới ngày 5/4, số ca đông máu và tử vong liên quan tới vaccine AstraZeneca tăng lần lượt 68 và 10.
"Trên cơ sở đánh giá liên tục này, lời khuyên vẫn là lợi ích của vaccine lớn hơn nhiều nguy cơ của nó đối với đa số người dân", MHRA cho biết.
Trong khi đó, nhiều quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu triển khai trở lại chương trình tiêm chủng với vaccine Johnson & Johnson, sau khi cơ quan quản lý thuốc của khối ủng hộ sử dụng loại vaccine một liều này.
Sau khi xem xét các trường hợp bị đông máu sau khi tiêm vaccine, ủy ban an toàn của Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 20/4 kết luận "cảnh báo xuất hiện cục máu đông bất thường và lượng tiểu cầu trong máu thấp nên được thêm vào thông tin sản phẩm" của vaccine Johnson & Johnson. EMA cho rằng vẫn nên sử dụng vaccine Johnson & Johnson vì lợi ích đem lại lớn hơn nhiều nguy cơ.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, báo cáo 32.664.333 ca nhiễm và 584.176 ca tử vong do nCoV, tăng 62.282 ca nhiễm và 846 ca tử vong so với một ngày trước đó.
Gần 220 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 đã được tiêm chủng tại Mỹ, chiếm 78% trong tổng số hơn 282 triệu liều được phân phối.
Hơn 200 triệu liều trong đó được triểu khai kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, hoàn thành sớm hơn một tuần so với mục tiêu mà chính quyền đặt ra trong 100 ngày đầu tại nhiệm của ông.
Khoảng 41% dân số Mỹ, gần 136 triệu người, đã tiêm ít nhất một liều vaccine và khoảng 27%, hơn 89 triệu người, hoàn thành chương trình tiêm chủng, theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC).
Ấn Độ là vùng dịch lớn thứ hai thế giới với 16.257.309 ca nhiễm và 186.928 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 332.503 và 2.256 ca.
Bộ Nộ vụ Ấn Độ ngày 22/4 ban hành lệnh cấm cung cấp oxy cho mục đích công nghiệp, khi nhiều bệnh viện ở thủ đô New Delhi đối mặt tình trạng thiếu oxy nghiêm trọng.
Thủ tướng Narendra Modi cũng ngày cũng chủ trì cuộc họp để đánh giá nguồn cung oxy trên khắp cả nước, cũng như xem xét các cách để thúc đẩy sản xuất phân phối nguồn oxy cho các bệnh viện nhằm chống lại đợt bùng phát Covid-19 đáng lo ngại hiện tại. Trong cuộc họp, ông nhấn mạnh giới chức các bang nên "mạnh tay" với những ai cố tình tích trữ.
Ấn Độ rơi vào thảm cảnh chưa từng có. Gần 1,6 triệu ca nhiễm được ghi nhận trong một tuần. Chỉ trong 12 ngày, tỷ lệ dương tính nCoV tăng gấp đôi, trong khi ở Delhi tỷ lệ này là 30%. Các bệnh viện trên cả nước đã chật kín, nhưng lần này chủ yếu là người trẻ tuổi. Tại Delhi, 65% bệnh nhân Covid-19 dưới 40 tuổi.
Brazil là vùng dịch lớn thứ ba thế giới với 14.167.973 ca nhiễm và 383.502 ca tử vong, tăng lần lượt 45.178 và 1.815.
Giám đốc Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO) Carissa Etienne ngày 21/4 cho biết số ca nhiễm nCoV ở Brazil đang giảm, gồm ca vùng Amazon, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19 trong những tháng qua. Tuy nhiên, Etienne cảnh báo việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch có thể đảo ngược xu hướng này.
Sao Paulo, bang đông dân nhất ở Brazil, đang cảnh báo có thể xảy ra thảm họa sức khoẻ cộng đồng trong bối cảnh các bệnh viện công tại đây thiếu trầm trọng thuốc cần thiết để đặt nội khí quản cho bệnh nhân Covid-19. Hai bang lớn khác là Rio de Janeiro và Minas Gerais cũng ghi nhận tình trạng tương tự.
Pháp, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, ghi nhận 5.408.606 ca nhiễm và 102.164 ca tử vong.
Thủ tướng Pháp Jean Caster ngày 22/4 xác nhận các hạn chế đi lại trong nước sẽ được dỡ bỏ vào ngày 3/5 và các trường trung học cơ sở sẽ mở cửa trở lại cùng ngày. Đây là những bước đầu tiên trong kế hoạch đưa đất nước thoát khỏi đợt đóng cửa mới vì Covid-19.
Ông thêm rằng một số hoạt động kinh doanh, gồm quán bar, nhà hàng và trung tâm văn hóa có thể mở cửa trở lại vào giữa tháng 5 khi tình hình đại dịch được cải thiện, sau ba tuần Pháp bước vào đợt đóng cửa kéo dài một tháng.
Anh, vùng dịch lớn thứ 7 thế giới, báo cáo 4.389.431 ca nhiễm và 127.345 ca tử vong, tăng lần lượt 2.279 và 18 trường hợp.
Bộ Y tế Anh cho biết đã phát hiện thêm 55 trường hợp nhiễm biến chủng B.1.617, lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ, nâng tổng số ca nhiễm biến chủng này lên 132. Hồi đầu tuần, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết Ấn Độ sẽ bị liệt vào "danh sách đỏ", theo đó người đến từ quốc gia này sẽ phải cách ly bắt buộc.
Hàng triệu người ở Anh đã tiêm vaccine có thể được cung cấp hộ chiếu Covid vào ngày 17/5 để đi du lịch nước ngoài vào mùa hè này và tránh khả năng bị cách ly. Giấy chứng nhận tiêm chủng đang được phát triển nhưng dự kiến cung cấp trước khi các hạn chế về đi lại quốc tế được dỡ bỏ vào tháng tới.
Nga là vùng dịch lớn thứ năm thế giới với 4.736.121 ca nhiễm và 107.103 ca tử vong.
Anna Popova, người đứng đầu Cơ quan Giám sát Liên bang về Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Sức khỏe con người, cho biết Nga đã phát hiện sự hình thành một biến chủng ở Siberia mà nước này gọi là "biến chủng tây bắc", theo Tass.
Hồi đầu tuần, Popova cho biết ít nhất 192 ca nhiễm biến chủng Anh và hơn 20 ca nhiễm biến chủng Nam Phi đã được phát hiện ở Anh tính đến hết ngày 16/4.
Tại Đông Nam Á, Thái Lan, báo cáo thêm 1.470 ca nhiễm mới và 7 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số lên lần lượt 48.113 và 117.
Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cho biết Thái Lan đặt mục tiêu mua thêm 35 triệu liều vaccine, ngoài 65 triệu liều đã mua, để thúc đẩy chương trình tiêm chủng quốc gia. Chính phủ Thái Lan muốn tiêm chủng cho ít nhất 70% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng trước cuối năm nay.
Để ngăn đợt bùng phát mới nhất bắt đầu vào tháng 4, chính phủ đã đóng cửa trường học, cấm tụ tập trên 50 người, cấm bán đồ uống có cồn trong nhà hàng ít nhất hai tuần kể từ ngày 18/4. Nhà chức trách tuyên bố Bangkok và 17 tỉnh khác thuộc "vùng đỏ", áp dụng biện pháp dập dịch nghiêm ngặt. Nhà hàng và quán cà phê trong "vùng đỏ" chỉ được phép hoạt động đến 23h, phục vụ khách đến 21h.
Campuchia ghi nhận thêm 446 ca nhiễm nCoV và 5 ca tử vong, nâng tổng số người mắc Covid-19 lên 8.193, trong đó 59 người đã tử vong.
Tính tới ngày 22/4, gần 1,3 triệu người ở Campuchia, tương đương 8% dân số, đã được tiêm chủng ít nhất một liều vaccine Covid-19, theo Bộ Y tế. Vaccine được sử dụng bao gồm Sinopharm, Sinovac và AstraZeneca. Campuchia hiện có 1,3 triệu liều Sinopharm, hai triệu liều Sinovac và 324.000 liều AstraZeneca.
Bộ trưởng Nội vụ Sar Kheng ngày 21/4 nhắc nhở tất cả giới chức và quan chức thực thi pháp luật của nước này không sử dụng vũ lực và lời lẽ lăng mạ người dân khi thực hiện các biện pháp phong tỏa ngăn Covid-19. Trong khi đó, Thống đốc Phnom Penh Khương Sreng cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Lào, báo cáo 94 ca nhiễm mới, tăng 6 ca so với ngày hôm qua. Quốc gia này hiện chưa ghi nhận trường hợp tử vong vì Covid-19. Thủ đô Vientiane của Lào bắt đầu áp lệnh phong tỏa 14 ngày từ ngày 22/4 để đối phó số ca nhiễm nCoV tăng mạnh.
Việc đi lại từ Vientiane đến các tỉnh khác và từ tỉnh khác vào thủ đô bị cấm, trừ những người thường trú tại thủ đô di chuyển từ các tỉnh trở về, xe tải thương mại, hàng hóa và các cá nhân được cấp phép.
Người dân Vientiane bị cấm ra khỏi nhà, trừ khi có việc thiết yếu. Các đám đông không được vượt quá 20 người, trong khi các nghi lễ, như đám tang, phải được tổ chức hết sức cẩn thận và tuân thủ biện pháp phòng ngừa Covid-19.
Thanh Tâm (Theo AFP, CNN, Guardian, Khmer Times, CNA)