Camilla Canepa, 18 tuổi, qua đời hôm 10/6 sau khi được tiêm vaccine vào ngày 25/5, khiến giới truyền thông và chính trị phản đối việc sử dụng AstraZeneca cho người trưởng thành ở mọi lứa tuổi.
"AstraZeneca sẽ chỉ được sử dụng cho những người trên 60 tuổi", ủy viên chống Covid-19 của đất nước Francesco Figliuolo nói với các phóng viên tại Rome ngày 11/6.
Những người dưới 60 tuổi đã tiêm liều AstraZeneca đầu tiên nên được tiêm một loại vaccine khác cho liều thứ hai, cố vấn y tế chính của chính phủ Franco Locatelli thông báo.
"Việc đánh giá rủi ro - lợi ích đã thay đổi", Figliuolo nói, không đề cập đến cái chết của Canepa, người bị xuất huyết não, đông máu trong ổ bụng và tiểu cầu thấp. AstraZeneca chưa đưa ra bình luận.
Giống như nhiều quốc gia châu Âu, Italy từng dừng tiêm AstraZeneca vào tháng ba do lo ngại về vấn đề đông máu hiếm gặp, chủ yếu ở những người trẻ tuổi. Một số quốc gia châu Âu khác ngừng tiêm AstraZeneca cho những người dưới một độ tuổi nhất định, thường là từ 50 đến 65.
Tuy nhiên, khi chính phủ của Mario Draghi tìm cách thúc đẩy hoạt động tiêm chủng, một số khu vực của Italy đã khởi động những buổi tiêm chủng gọi là "ngày mở cửa", tiêm AstraZeneca cho người từ 18 tuổi trở lên, bao gồm phụ nữ trẻ, những người được coi là nhóm có nguy cơ mắc chứng rối loạn đông máu hiếm gặp cao nhất.
Khoảng 46% người dân ở Italy đã được tiêm ít nhất một liều vaccine, trong khi 23% được tiêm chủng đầy đủ, nhìn chung tương đồng với các nước EU khác. Italy là vùng dịch lớn thứ 8 thế giới với hơn 4,2 triệu ca nhiễm và gần 127.000 người chết.
Thế giới đã ghi nhận 175.929.833 ca nhiễm nCoV và 3.797.918 ca tử vong, tăng lần lượt 323.636 và 9.324, trong khi 158.047.557 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Ca Covid-19 tiếp tục tăng cao ở châu Phi khi tình trạng lây nhiễm chậm lại ở các nơi khác trên thế giới trong tuần thứ sáu liên tiếp, khiến sự bất bình đẳng vaccine trở thành tâm điểm chú ý.
Trung bình số ca Covid-19 mới hàng ngày trên toàn cầu tuần qua giảm 16% xuống còn khoảng 390.800 , theo thống kê của AFP.
Cụ thể, ca mới giảm 26% ở châu Á, giảm 18% ở châu Âu, 15% ở châu Đại Dương, 14% ở Mỹ và Canada, 9% ở Trung Đông và 8% ở Mỹ Latinh và Caribe. Tuy nhiên, ca mới ở châu Phi tăng 28%.
Gần 3/4 số ca mới được ghi nhận tại 5 quốc gia: Ai Cập, Tunisia, Uganda, Zambia và Nam Phi, nơi đã bước vào làn sóng lây nhiễm thứ ba.
Zambia là nước ghi nhận mức tăng ca nhiễm mới trên đầu người cao nhất 147%, theo sau là Anh với 65% và Afghanistan 47% nhiều hơn. Trong khi đó, Đức là nước báo cáo mức giảm ca nhiễm mới trên đầu người mạnh nhất 44%, tiếp theo là Canada và Pháp với 39%.
Ấn Độ tiếp tục là nước ghi số ca tử vong cao nhất với 3.100 người chết mỗi ngày trong tuần qua, tiếp theo là Brazil với 1.800 ca, Argentina 580 ca.
Tỷ lệ tử vong trên toàn cầu giảm 9% trong tuần này xuống 10.145 trường hợp mỗi ngày. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng số người chết vì đại dịch có thể cao gấp ba lần so với số liệu chính thức.
Khoảng 2,295 tỷ liều vaccine đã được triển khai tại 216 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, có sự chênh lệch lớn giữa các nước giàu và nước nghèo. Tỷ lệ tiêm trên 100 người ở châu Phi là 2,9 liều, trong khi con số ở Mỹ và Canada là 90,4 liều, châu Âu 52,2 liều. Tiếp theo là châu Á với 28,9 liều, Mỹ Latinh và Caribe 28,9 liều, Trung Đông 21,2 liều và châu Đại Dương 16,1 liều.
Các lãnh đạo G7 dự kiến cam kết tặng một tỷ liều vaccine Covid-19 cho các nước nghèo.
Canada đã vượt lên dẫn trước trong cuộc đua tiêm chủng toàn cầu với 63,62% dân số đã tiêm một liều, tiếp theo là Israel với 63,25% và Anh 60,23%.
Phương Vũ (Theo AFP)