Luật Điện lực là một trong ba luật được đề nghị xây dựng và các thành viên Chính phủ thảo luận tại phiên họp chuyên đề pháp luật, ngày 17/11.
Chính sách phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới là một trong những nội dung được bổ sung khi sửa Luật Điện lực lần này. Nêu ý kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng cơ chế đưa ra cần tạo đột phá trong đầu tư, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng mới.
"Cần có cơ chế huy động các nguồn lực, xã hội hóa trong đầu tư, xây dựng công trình điện, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, chống độc quyền", ông lưu ý.
Bên cạnh đó, các cơ chế về mua bán điện phải được nghiên cứu, xây dựng theo hướng thị trường điện cạnh tranh, minh bạch và giá điện theo cơ chế thị trường.
Trước đó, tại tờ trình Chính phủ về sửa Luật Điện lực, Bộ Công Thương cho rằng cần sửa quy định về thẩm quyền ban hành cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện để sát thị trường và dần xóa bù chéo giữa các khách hàng sử dụng.
Giá điện theo thị trường được các chuyên gia đánh giá là một trong những cơ sở để đảm bảo đủ điện trong dài hạn. Theo Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, nguồn vốn cần để thực hiện lên tới 132 tỷ USD, không thể trông chờ vào vốn Nhà nước mà cần huy động thêm các nguồn vốn tư nhân, nước ngoài. Nhưng muốn các nhà đầu tư tư nhân rót vốn vào dự án điện, chính sách đưa ra cần để họ thấy lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro trong đầu tư.
Ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, nhận xét thực tế giá điện hiện được ấn định và rất hạn chế điều chỉnh theo nguyên tắc của thị trường. Trong khi đó, theo PGS.TS Bùi Xuân Hồi, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc, nếu vẫn duy trì giá điện thấp như hiện nay, lộ trình thị trường điện cạnh tranh không thể thực hiện. "Chính sách giá, cơ chế cần hướng tới đảm bảo sinh lời thì nhà đầu tư mới rót vốn, đảm bảo đủ điện, an ninh trong cung cấp điện", ông Hồi nói tại tọa đàm về cung ứng điện hôm 7/11.
Tại phiên họp hôm nay, Thủ tướng nhận xét còn hạn chế trong xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế. Ông yêu cầu các bộ, cơ quan phối hợp chặt chẽ, chuẩn bị hồ sơ, tài liệu, hoàn thiện các dự án luật, trình Quốc hội bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Các bộ, ngành được giao đẩy nhanh xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, và rà soát nội dung cần bổ sung vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2023, kế hoạch năm 2024.
Với những vướng mắc phát sinh, ông lưu ý cần có giải pháp tháo gỡ mang tính chất tình thế, sửa các quy định căn cơ. Những vấn đề vượt thẩm quyền, khẩn trương báo cáo Chính phủ, Thủ tướng xem xét, chỉ đạo.
"Phải phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, tăng năng lực thực thi cho cấp dưới; kiểm soát thủ tục hành chính, cũng như chống lợi ích nhóm, cục bộ trong xây dựng pháp luật", Thủ tướng chốt lại.