Chiều nay Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm về những vấn đề cấp bách của cung ứng điện.
PGS.TS Bùi Xuân Hồi, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc, nhận định với nhiều nỗ lực chỉ đạo của Chính phủ, năm 2024 sẽ không xảy ra tình trạng thiếu điện như năm nay.
Mới đây nhất, sau cuộc họp tuần trước, Thường trực Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn và EVN có giải pháp đảm bảo nguồn than cho các nhà máy nhiệt điện, vận hành tối đa công suất các nhà máy. Kịch bản cung ứng điện năm sau được Bộ Công Thương, EVN xây dựng trên cơ sở dự báo GDP ở mức 6,0-6,5%, trong khi điều kiện tổng nguồn chỉ khoảng 50.000-52.000 MW.
Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia, giá điện có thể tăng và cần sớm điều chỉnh để tiệm cận thị trường - cơ sở để đảm bảo đủ điện lâu dài.
Cơ cấu giá thành cung ứng điện gồm sản xuất, truyền tải, phân phối và bán lẻ. Trong đó, sản xuất điện chiếm 70-80% cơ cấu giá thành và phụ thuộc vào biến động của giá nhiên liệu đầu vào (than, dầu, khí...). Các phần còn lại (truyền tải, phân phối, bán lẻ) giá điện điều chỉnh theo Quyết định 24, theo đó giá bán lẻ điện bình quân thay đổi dưới 5% thì EVN điều chỉnh, 5-10% thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương và trên 10% Thủ tướng xem xét, quyết định.
Việc giá điện được giữ trong 4 năm mới điều chỉnh 3% từ tháng 5/2023, theo ông Bùi Xuân Hồi, khiến ngành năng lượng gặp khó khăn. Lúc này sẽ phải cân nhắc bài toán thiếu điện với mục tiêu an sinh, vĩ mô và phát triển bền vững ngành điện, kinh tế.
"Nếu không có iPhone thì không chết nhưng thiếu điện thì chết. Giá điện cần tiến tới điều chỉnh theo tín hiệu thị trường", ông Hồi nói.
Theo Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, nguồn vốn cần để thực hiện lên tới 132 tỷ USD, không thể trông chờ vào vốn Nhà nước mà cần huy động thêm các nguồn vốn tư nhân, nước ngoài. Nhưng muốn các nhà đầu tư tư nhân rót vốn vào dự án điện, chính sách đưa ra cần để họ thấy lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro trong đầu tư.
"Nếu vẫn duy trì giá điện thấp như hiện nay, lộ trình thị trường điện cạnh tranh không thể thực hiện. Chính sách giá, cơ chế đầu tư cần hướng tới đảm bảo sinh lời thì nhà đầu tư mới rót vốn, đảm bảo đủ điện, an ninh trong cung cấp điện", ông nói.
Ông Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, cũng nhìn nhận thực tế giá bán hiện được ấn định và rất hạn chế điều chỉnh theo nguyên tắc của thị trường. "Thông thường có thể cộng điều tiết của EVN và truyền tải đảm bảo tính đúng giá thành, nhưng vì hỗ trợ điều hành chính sách vĩ mô nên chưa làm được", ông nhận xét.
Chuyên gia Bùi Xuân Hồi đề nghị luật hóa cao hơn việc điều hành giá, có thể ở mức Nghị định thay vì quyết định của Chính phủ như hiện nay, để cơ chế điều hành giá theo tín hiệu thị trường, mới có thể mở rộng cạnh tranh. Lúc đó, người dân sẽ thấy trong một năm có nhiều lần điều chỉnh tăng, giảm và giá điện từng bước mang tín hiệu của thị trường.
Theo các chuyên gia, khó khăn lớn nhất hiện nay là đã để các quy định điều chỉnh giá điện quá lâu mà chưa thay đổi. Do đó, cần nhanh chóng sửa các quyết định liên quan tới điều hành giá điện như Quyết định 24 cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, Quyết định 28 biểu giá bán lẻ điện.
Bộ Công Thương vừa trình Thủ tướng dự thảo sửa đổi Quyết định 24 cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, trong đó đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá điện từ 6 tháng xuống 3 tháng một lần, tức mỗi năm sẽ có 4 đợt thay đổi giá. Giá được cập nhật hàng quý theo chi phí phát điện.
Theo văn bản Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận cuộc họp, Thường trực Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc "điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2023 phù hợp tình hình thực tế". Việc sửa Quyết định 24 trên cơ sở cơ sở đánh giá đầy đủ tác động, bảo đảm phù hợp thực tế và mục tiêu kiểm soát lạm phát, thúc đẩy phục hồi tăng trưởng.
Ngoài ra, EVN cần sớm kiện toàn ban lãnh đạo trước ngày 15/11 (Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc), đảm bảo lựa chọn công khai, khách quan theo các quy định.
"Chúng tôi rất mong muốn với cách làm việc quyết liệt như hiện nay thì những hạn chế thuộc về cơ chế sẽ được nhanh chóng tháo gỡ. Tôi chắc chắn rằng ngành điện khỏe thì nền kinh tế mới khỏe", ông Hồi chốt lại.
Huy động ngay nguồn năng lượng tái tạo để sớm đưa vào vận hành, theo các chuyên gia, là một phương án để đảm bảo đủ cung ứng điện trong ngắn hạn (năm 2024).
"Liệu chúng ta có thể quay lại cơ chế giá cố định (giá FIT) hay không, giá bao nhiêu và sản lượng điện mái nhà hộ gia đình dư thừa có thể được mua lại hay không... cần cơ chế của cơ quan quản lý Nhà nước để xử lý nhanh, giải quyết nhu cầu điện tức thời của 2024", ông Bùi Xuân Hồi nói.
Hai Bộ Công Thương, Tài chính được Chính phủ yêu cầu hướng dẫn xác định giá điện với các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành nhưng chưa ký hợp đồng mua bán điện (PPA), để khai thác tối đa nguồn này, tránh lãng phí. Trường hợp cần thiết có thể tính phương án tăng mua điện từ Lào, Trung Quốc.
Các dự án truyền tải cũng được yêu cầu đẩy nhanh để tăng năng lực truyền tải điện, kịp thời ứng phó trong mọi tình huống. Trong đó, dự án đường dây 500 kV mạch 3 đoạn Quảng Trạch - Phố Nối cần hoàn thành trước tháng 6/2024.