Nước Anh đang trải qua cuộc khủng hoảng xăng dầu nghiêm trọng vì thiếu tài xế xe bồn, khi hàng loạt lao động nước ngoài trong lĩnh vực vận tải rời Anh hậu Brexit. Người dân Anh phải xếp hàng dài chờ suốt nhiều tiếng tại trạm xăng, đổ xô đi mua xăng tích trữ trong cơn giận dữ và tuyệt vọng. Một số doanh nghiệp như hãng taxi và xe cứu thương tư nhân buộc phải thu nhỏ quy mô hoạt động.
Không chỉ nhiên liệu, tình trạng thiếu tài xế xe tải còn gây hỗn loạn chuỗi cung ứng mọi mặt hàng khác tại Anh, như thực phẩm, nội thất, phụ tùng ôtô, thiết bị điện, nguyên liệu xây dựng, vật tư y tế, trong bối cảnh Giáng sinh đang tới gần. Một số người còn lo ngại chi phí để sưởi ấm trong mùa đông sắp tăng lên vì khủng hoảng nhiên liệu.
Nhiều người cho rằng điều này sẽ gây áp lực rất lớn với Thủ tướng Anh Boris Johnson, khi đảng Bảo thủ cầm quyền của ông ngày 6/10 tổ chức hội nghị tại thành phố Manchester. Đây là hội nghị đảng Bảo thủ đầu tiên kể từ khi Johnson giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Thủ tướng, dứt điểm Brexit và sau đó là dỡ bỏ mọi hạn chế ngăn Covid-19 ở Anh.
Bình luận viên Luke McGee của CNN cho biết những hội nghị đảng như vậy thường tập trung vào một loạt vấn đề rộng khắp từ các cơ quan chính phủ và thể hiện khả năng lãnh đạo của các bộ trưởng trong nội các. Một số chuyên gia đã dự đoán Johnson có thể trì hoãn một phần thỏa thuận Brexit nhằm ngăn cuộc khủng hoảng hiện nay lan rộng.
Nhưng thay vì tập trung vào khắc phục hậu quả Covid-19, xem xét các biện pháp giảm thiểu tác động mà Brexit đang gây ra với nền kinh tế, hoặc cảnh giác trước đòn công kích ngày càng tăng từ Công đảng đối lập, các thành viên đảng Bảo thủ dường như chỉ "ăn mừng bù" việc Anh chính thức rời Liên minh châu Âu (EU) trong hội nghị.
"Hội nghị này thực sự chỉ xoay quanh giấc mơ của Johnson về việc nâng tầm nước Anh, đưa các cộng đồng nghèo hơn lên ngang hàng những khu vực giàu có về chất lượng cuộc sống, tăng cơ hội việc làm và những điều tương tự", McGee nhận xét.
Việc Thủ tướng Johnson đặt ra mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống tại những khu vực nghèo hơn được cho là nhằm xoa dịu nỗi bức xúc của người dân nhắm vào tầng lớp tinh hoa. Từ đó, Johnson có thể xây dựng hình tượng người đoàn kết đất nước và duy trì sự ủng hộ của cử tri.
Nhưng nhiều người đã đặt câu hỏi về nguồn ngân sách Johnson dự định sử dụng để hiện thực hóa tham vọng này. Một số quan chức trong nội các thẳng thừng bày tỏ bất đồng về ý tưởng tăng thuế để chi trả dịch vụ xã hội của chính phủ. Những thành viên mang quan điểm bảo thủ về tài chính trong đảng cầm quyền cũng tỏ ra không thoải mái với cách chi tiêu của chính phủ trong thời kỳ đại dịch.
Tuy nhiên, khi những bất bình này bị đặt lên bàn cân với thực tế rằng Johnson đã đem lại cho đảng Bảo thủ thế đa số lớn nhất trong quốc hội kể từ những năm 1990, việc củng cố quyền lực dường như vẫn được đề cao hơn tất cả, bất chấp phong trào Brexit mà Johnson thúc đẩy gây ra những hậu quả trực tiếp với cuộc sống hàng ngày của người dân.
Theo McGee, nhiều bằng chứng cho thấy Johnson đáng lẽ có thể đưa ra các quyết định giúp tránh được nhiều vấn đề từ những tháng trước. Tuy nhiên, cả Thủ tướng Anh và đảng Bảo thủ của ông đều không phải chịu bất cứ áp lực chính trị hay gánh hậu quả nghiêm trọng nào. Nhiều quan chức chính phủ Anh cho rằng nếu một cuộc bầu cử được tổ chức vào ngày mai, Johnson vẫn sẽ dễ dàng giành chiến thắng.
Thành công của Johnson được cho là bởi ông không phải đối mặt với sự phản kháng đáng kể nào. Trong nội bộ đảng Bảo thủ, hiếm có lãnh đạo nào ít bị phản đối công khai như Johnson. Ngay cả những bộ trưởng bị sa thải trong cuộc cải tổ gần đây cũng ca ngợi ông.
"Toàn bộ thành viên trong đảng đều đoàn kết xung quanh một cá nhân luôn chiến thắng theo cách riêng. Thật tuyệt vời khi được là một phần trong đó", một quan chức chính phủ Anh giấu tên cho biết.
Trong khi đó, Công đảng đối lập không thể thu được lợi thế thực sự nào từ những cuộc khủng hoảng gần đây. Tại hội nghị Công đảng tuần trước, các thành viên cũng tập trung nhiều hơn vào vấn đề chính trị nội bộ thay vì công kích chính phủ đương nhiệm, ngay cả khi họ buộc phải điều quân đội để xử lý khủng hoảng nhiên liệu.
Thị trưởng thành phố Manchester Andy Burnham, một thành viên Công đảng, thậm chí đề nghị hợp tác với Johnson trong chương trình nghị sự "nâng tầm nước Anh", thừa nhận đất nước đã phải chịu quá nhiều chia rẽ sau Brexit và đại dịch. Theo bình luận viên McGee, thực tế là việc công kích Johnson có lẽ cũng không thu được nhiều lợi ích.
Bên ngoài hội nghị đảng Bảo thủ tại Manchester, số lượng người biểu tình chống lại đảng này cũng ít hơn và bớt ồn ào hơn nhiều so với các hội nghị khác trong những năm gần đây, khi nền chính trị Anh bế tắc vì Brexit.
Tối 4/10, Ủy ban EU tổ chức tiệc chiêu đãi tại trung tâm hội nghị, nơi Brexit được thảo luận rất ít, theo các nguồn tin am hiểu vấn đề. "Họ có vẻ chỉ quan tâm đến kế hoạch nâng tầm đất nước. Dù chuyện đó tốt hay xấu, tất cả dường như đều đồng lòng đứng về phía Johnson", một quan chức cho hay.
"Dường như không có ai tại Anh, trong bất kỳ đảng phái hay nhóm đối lập nào, đủ khả năng làm suy yếu tầm ảnh hưởng của Thủ tướng trong tương lai gần. Johnson thực tế đang là vua trên chính trường Anh", McGee kết luận.
Ánh Ngọc (Theo CNN)