"Chúng tôi đã bị mất rất nhiều thứ, khiến nghề lái xe bồn không còn là công việc đáng làm nữa", Carden cho biết.
Khi Carden mới vào nghề, thu nhập và lợi ích từ công việc đòi hỏi kỹ năng và sự cẩn trọng này đều tốt, giúp ông đủ khả năng nuôi gia đình. Tuy nhiên, các điều kiện dần trở nên tồi tệ. Thời gian làm việc kéo dài hơn, các trạm dừng bên đường xuống cấp, chế độ đãi ngộ bị cắt giảm, thúc đẩy Carden quyết định nghỉ việc.
Giờ đây, Hiệp hội Vận tải Đường bộ Anh cho biết nước này đang thiếu hơn 100.000 tài xế xe tải, khiến các trạm xăng trên toàn quốc cạn kiệt do không đủ người lái xe bồn chở nhiên liệu từ cảng hoặc nhà máy lọc dầu. Hệ quả là người dân đổ xô đi mua xăng tích trữ. Nhiều người không thể đến nơi làm việc vì xe hết xăng, hoặc giao thông tắc nghẽn xung quanh các trạm. Một số doanh nghiệp, như các hãng taxi và xe cứu thương tư nhân, buộc phải thu nhỏ quy mô phục vụ.
Không chỉ nhiên liệu, tình trạng thiếu tài xế xe tải trầm trọng còn gây hỗn loạn chuỗi cung ứng mọi mặt hàng khác tại Anh, như thực phẩm, nội thất, phụ tùng ôtô, thiết bị điện, nguyên liệu xây dựng, vật tư y tế, trong bối cảnh Giáng sinh đang tới gần.
Tình cảnh này thúc đẩy người dân và giới lãnh đạo Anh truyền đi thông điệp rằng họ cần các tài xế. Chính phủ đang gửi thư tới gần một triệu người có bằng lái xe chở hàng cỡ lớn để kêu gọi họ trở lại ngành này.
Thủ tướng Boris Johnson còn sửa đổi quy định nhập cư hậu Brexit, đồng ý cấp 5.000 visa tạm thời cho các tài xế nước ngoài với thời hạn đến Giáng sinh năm nay, nhằm thu hút họ đến Anh làm việc tạm thời. Tuy nhiên, nỗ lực này được cho là quá ít ỏi và quá muộn màng.
"Không, cảm ơn ngài Thủ tướng. Tôi sẽ không nhận cơ hội này. Chẳng tài xế nào muốn chuyển việc trong ba tháng chỉ để giúp người Anh có kỳ nghỉ lễ dễ dàng hơn", Jakub Pajka, tài xế 35 tuổi người Ba Lan, cho biết. Pajka bỏ việc tại Anh sau khi nước này quyết định rời Liên minh châu Âu (EU).
Rod McKenzie, giám đốc quản lý chính sách tại Hiệp hội Vận tải Đường bộ Anh, cũng nhận thức được thực tế này. "Chúng tôi đã kêu gọi chính phủ làm vậy, nhưng ba tháng thực sự là khoảng thời gian quá ngắn để thuyết phục các tài xế từ bỏ công việc hiện tại của họ", McKenzie cho hay.
Bên cạnh đó, giới quan sát nhận định không có giải pháp nhanh chóng nào để giải quyết những vấn đề đã tồn tại suốt nhiều năm. Brexit khiến các tài xế châu Âu quay lưng với Anh, bởi giờ đây họ có thể tìm được công việc có điều kiện cơ sở vật chất và thu nhập tốt hơn ở nơi khác, trong bối cảnh nhiều nước tại châu lục này như Ba Lan và Đức cũng thiếu tài xế.
Covid-19 còn gây trì hoãn những đợt thi lấy bằng xe tải tại Anh, làm giảm số lượng tài xế mới, trong khi quá trình đào tạo cũng tốn kém và ngành này không thu hút được lực lượng lao động trẻ. McKenzie cho biết độ tuổi trung bình của tài xế xe tải tại Anh khoảng 50. Nhiều bức thư của chính phủ phải gửi đến những người đã nghỉ hưu hoặc chuyển qua các vị trí quản lý.
Sau khi nghỉ lái xe bồn chở nhiên liệu, Carden nhận lái xe van cho một doanh nghiệp gia đình. Người đàn ông 57 tuổi cho biết vào thời điểm ông rời ngành, nhiều đồng nghiệp cũng nghỉ việc. "Họ nghĩ rằng tại sao phải lái một quả bom 44.000 lít khắp nơi, trong khi có thể kiếm được khoản tiền tương đương nhờ giao những hộp khoai tây chiên đến siêu thị", Carden giải thích.
"Công chúng không đánh giá cao lái xe tải, chính phủ thì xử tệ với họ. Các tài xế phải xa nhà nhiều đêm, còn cơ sở vật chất dành cho họ có lẽ nghèo nàn nhất châu Âu. Tôi sẽ không quay trở lại công việc đó", ông nói thêm.
"Mọi người không đoái hoài đến các tài xế xe tải cho tới khi tất cả trở nên tồi tệ", Robert Booth, tài xế 50 tuổi tại Dover, phía nam nước Anh, bày tỏ đồng tình.
Công việc của Booth là vận chuyển vật liệu xây dựng đường dài, mỗi chuyến thường mất 5 ngày. Bất chấp nỗi mệt mỏi vì phải lái xe nhiều giờ, Booth cho biết ông tận hưởng cảm giác phiêu lưu trong công việc. Tuy nhiên, điều kiện nghỉ ngơi trên đường dành cho các tài xế đã bị bỏ bê.
Tại các trạm dừng nghỉ, phòng tắm thường không sạch sẽ, không đủ nhà vệ sinh và điều kiện an ninh kém, khiến ngày càng nhiều người, đặc biệt là phụ nữ, không muốn làm tài xế xe tải. Các tài xế cũng khó có thể tìm được nơi bán những bữa ăn tươm tất. "Những người quản lý ngành này dường như mặc định rằng họ có nguồn lao động rẻ hơn từ nước ngoài", Booth nói.
Tuy nhiên, Anh khó có thể thuyết phục các tài xế châu Âu trở lại, bởi họ thường bị phân biệt đối xử, theo Tomasz Orynski, tài xế xe tải bán thời gian tại Scotland. Người đàn ông 41 tuổi này chuyển từ Ba Lan đến Anh làm việc vào năm 2005, nhưng dự định sẽ sớm trở lại EU.
"Người Anh lúc nào cũng nói rằng chúng tôi là gánh nặng của đất nước, trong khi mức lương không hề thay đổi suốt một thập kỷ hoặc lâu hơn. Vậy nên chúng tôi phải gói ghém đồ đạc về nước, nơi đã phát triển nhanh chóng trong những năm qua", Orynski cho hay.
Ngay cả khi một số tài xế quyết định lấy visa tạm thời tới Anh, họ cũng chưa chắc làm việc đủ ba tháng do quy trình tuyển dụng và chuyển chỗ ở có thể mất nhiều tuần. Emil Gerasimov, người đứng đầu bộ phận tuyển tài xế của công ty tuyển dụng Ideal Recruit, cho rằng biện pháp cấp visa tạm thời không giải quyết được gì nhiều. "Tại sao họ phải bỏ việc ở châu Âu để đến đây ba tháng?", Gerasimov nói.
Steve Bowles, người điều hành một công ty chở hàng gần sân bay Heathrow ở thủ đô London, đã tăng lương cho nhân viên nhưng vẫn thiếu 20% số tài xế cần thiết, trong khi chi phí tuyển dụng tăng vọt. "Thật vô cùng bất lực", Bowles phàn nàn.
Trước khi đảm nhiệm công việc quản lý, Bowles cũng từng ngồi sau tay lái và có thể sẽ sớm nhận được thư kêu gọi từ chính phủ. Nhưng ở tuổi 67 với những hạn chế về sức khỏe, ông không có ý định trở lại làm tài xế xe tải.
"Nếu tôi không thể lo liệu công việc với các tài xế của mình, thì việc bỏ văn phòng để ra ngoài kia có nghĩa lý gì?", Bowles đặt câu hỏi.
Ánh Ngọc (Theo NY Times, Reuters)