Tôi mãi tới năm 32 tuổi mới có một căn chung cư nho nhỏ, mặc dù tôi cũng thuộc dạng cày và siêu tiết kiệm. Nên các bạn trẻ mới ra trường, 22- 25 tuổi chưa có nhà là việc hiển nhiên không có gì phải nôn nóng hoặc suy nghĩ bốc đồng.
>> 'Để có 2 tỷ đồng mua nhà, phải tiết kiệm từ 19 tuổi'
Giả dụ vẫn với thu nhập trên dưới 20 triệu/tháng ở Sài Gòn. Bạn tiếp tục làm việc, có thể chọn công việc thoải mái hơn và bớt căng thẳng hơn sau khi đã an cư và trả sạch nợ. Vòng quay vốn và tài sản của bạn sau năm thứ 20, 30 khi con bạn đã trưởng thành sẽ diễn tiến như sau:
Vòng quay tài sản sau 30 năm, với thu nhập 20 triệu/tháng, tích lũy 8 triệu/tháng. Tới năm thứ 20, 30 khi bạn đã 40-50 tuổi và con bạn đã trưởng thành bạn có tạm một chút ít để hỗ trợ chúng nó giải bài toán mua nhà. Hoặc có thể dùng số tiền này để làm ăn.
Ở Sài Gòn thu nhập trên 20 triệu đồng một tháng không quá khó. Điều kiện cần là:
- Bạn là lao động có chuyên môn, tức đã qua đào tạo đại học, cao đẳng, hoặc trung cấp nghề và làm đúng chuyên môn. Nếu không làm đúng chuyên môn bạn nên học thêm văn bằng hai cho chuyên môn bạn đang làm.
- Bạn có kinh nghiệm làm việc từ 3-5 năm trở lên và thực sự thành thạo, tự tin về kỹ năng của mình trong chuyên môn đó. Bất cứ yêu cầu nào của khách hàng bạn cũng tự tin xử lý được và khách hàng, sếp bạn hài lòng với việc đó.
- Nếu bạn xử dụng thành thạo ngoại ngữ tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Hàn, tiếng Nhật, dùng nó trong công việc hằng ngày ở công ty nước ngoài thì yên tâm rằng sẽ tăng gấp đôi, gấp ba thu nhập. Vì làm việc ở các công ty này bạn được hưởng lợi thế về tỷ giá.
Trường hợp bạn còn độc thân, hoặc mới cưới, tổng vốn tích lũy của cả hai là khoảng 8 triệu/tháng x 10 năm. Theo bài toán trên bạn nên mua nhà chung cư để ở với giá khoảng 1,5 tỷ hoặc hơn, ví dụ 2 tỷ nếu được bố mẹ tài trợ 500 triệu.
Không phải ngẫu nhiên ông bà ta từ xưa đã có câu: An cư lạc nghiệp. Việc sớm ổn định chỗ ở, có một chỗ tạm gọi là nhà của mình sẽ cho một cảm giác khá thoải mái. Thậm chí có thể mất việc, lương ít ỏi... nhưng chỉ cần thu nhập hoặc khoản tiết kiệm vẫn vừa đủ chi tiêu cho sáu tháng, một năm là bạn đã không còn gì nhiều để phải lo lắng.
Bạn cứ núp ở trong nhà, ăn cháo và húp mì gói thì vẫn có thể sống khỏe. Căn nhà cơ bản sẽ cho một chỗ dựa khá ổn đặc biệt về mặt tâm lý, giống như đạp xe đường dài mà cái yên xe nó vẫn còn ở đó vậy. Nghe rất buồn cười mà lại hợp lý.
Dĩ nhiên, mọi thứ luôn có hai mặt, ổn định thì giảm đi sự linh hoạt, bạn ít mơ mộng hơn về những thành phố lung linh khác, và cũng khó để đi du học hoặc làm việc ở những vùng đất khác hơn. Chưa kể, nếu việc mua nhà đi kèm với những khoản nợ quá lớn thay vì đem lại cảm giác thoải mái lại khiến bạn vướng vào một vòng quay của áp lực trả nợ và làm việc không nghỉ.
Những ai không có thu nhập ổn định trong gần nửa năm Covid-19 vừa qua có lẽ là người hiểu rõ nhất rằng: ăn uống, sinh hoạt có thể tiết chế khi khó khăn, thu nhập thậm chí có thể không còn, nhưng tiền nhà, tiền lãi ngân hàng, và lãi vay nóng là không dễ gì cắt giảm được.
Mua nhà cần bao nhiêu tiền, và mất bao lâu?
Bài toán này tùy thuộc vào điều kiện và kỳ vọng mỗi người, mỗi gia đình. Trước khi đi vào chi tiết, tôi sẽ làm rõ hai vấn đề: tại sao các bạn trẻ gặp nhiều khó khăn trong việc mua nhà, và ai không cần nỗ lực mà vẫn dễ dàng có được nhà?
Tại sao nhà lại khó mua đến thế? Cần phải nhận thức rõ, đây không phải là câu chuyện ở mỗi Việt Nam, Sài Gòn, mà là câu chuyện ở bất cứ đâu New York, hay Tokyo. Cũng không phải câu chuyện chỉ mới xảy ra vào năm 2021, mà là câu chuyện hàng trăm, nghìn năm nay, từ thời ông bà, bố mẹ họ đã từng phải vượt qua.
>> Mua được nhà Sài Gòn mới tính chuyện sinh con
Những lý do sau đây làm cho việc mua nhà trở nên khó khăn hơn:
1. Bạn, gia đình bạn thuộc nhóm "di dân", "di cư" từ địa phương có điều kiện kinh tế tài chính thấp hơn sang địa phương có điều kiện kinh tế phát triển hơn. Bố mẹ tôi vào Nam ra Bắc từ năm 17 tuổi, tới tôi cũng vậy.
Rõ ràng nếu cư dân bản địa nỗ lực 5 năm có thể mua được nhà, thì dân nhập cư sẽ thường phải nỗ lực gấp đôi, 10 năm, 20 năm hoặc hơn. Bài toán giá nhà quá cao thường bị kêu ca ở Sài Gòn, Hà Nội, New York, Tokyo, các trung tâm thành phố, chứ ít có ai kêu ở khu vực ngoại ô và miền núi.
Lợi thế/rào cản bản địa là một quy luật có tính kinh tế xã hội mà bất cứ ai cũng phải tuân theo và tìm cách thích nghi. Đừng vội đổ lỗi một cách cảm tính, những quy luật này được hình thành một cách tự nhiên bởi bạn, hàng xóm, những người đã ở đây hoặc ở đó lâu hơn.
Bạn, gia đình bạn đã từng ở Sài Gòn, rồi một năm nọ bạn quyết định "bỏ phố về vườn". Quyết tâm đổi sự thịnh vượng về kinh tế lấy một cuộc sống chất lượng và có ý nghĩa hơn. Con bạn 20 năm sau lại mò lên Sài Gòn thích kinh tế hơn một cuộc sống ý nghĩa ở quê. Vòng lặp lại tiếp diễn, giá nhà lại lên, rồi một năm nó chúng nó lại theo bước chân của bố mẹ, bỏ phố về vườn.
Rõ ràng trong mọi lựa chọn đều luôn có sự đánh đổi. Đến con cái bạn cũng sẽ có hệ giá trị và những mộng tưởng của riêng chúng nó. Chúng ta nỗ lực mỗi ngày vì hệ giá trị của mình, nhưng cũng không thể cản được vòng quay của cuộc sống.
Mật độ dân số cao là nguyên nhân thực sự đứng đằng sau rào cản giá nhà và giá dịch vụ gấp 5, 10, 100 lần tại các thành phố lớn. Có 10 miếng đất, nhưng 100 người tới ở và đều muốn sở hữu rõ ràng sẽ phải khác nếu chỉ có một người tới ở và muốn sở hữu.
Có nhiều quy luật tương tự xoay quanh trục quy mô, và mật độ tập trung dân số mà bạn phải sớm nhận ra và tìm cách thích nghi. Rõ ràng nơi tập trung đông dân cư hơn sẽ dễ dàng mua bán và có thu nhập tốt hơn, nhưng cũng sẽ khó khăn hơn trong việc tiếp cận các tài sản và nguồn lực mà nhiều người quan tâm.
>> Những người 'giàu quê không bằng ngồi lê phố'
Bạn mất 10, 20 năm để mua một căn nhà ở được ở Sài Gòn, nhưng nếu mua ở các khu vực dưới 3 triệu dân như trên bản đồ thì nhiều khi chỉ một vài năm thu nhập ở Sài Gòn là quá đủ. Như vậy bài toán mua nhà trở thành bài toán về mật độ. Bạn sẽ phải chọn cố bám trụ Sài Gòn, hay chọn một thành phố khác dễ chịu hơn. Mọi lựa chọn luôn là một sự đánh đổi, mà chỉ có chính chúng ta mới biết là có tốt với mình hay không.
Thực sự những ai không cần nỗ lực nhiều mà sớm có được nhà, chỗ ở, an cư lạc nghiệp đó là một may mắn cho xã hội và nền kinh tế. Hồi xưa tôi rất ghen tị với những bạn có điều kiện như thế. Nhưng về sau này thì mình thấy nếu ai cũng sớm có được chỗ ra chỗ vào thì tâm tính họ sẽ tốt hơn, họ có nhiều thời gian hơn để chú trọng vào chất lượng cuộc sống và các mối quan hệ xung quanh thay vì tối ngày cày cuốc và cạnh tranh lẫn nhau vì tiền.
>> Cơn đau đầu của người mua nhà trả góp mùa Covid-19
Những trường hợp, đỡ phải nỗ lực hơn để có nhà:
1. Bạn là dân bản địa, bạn rất giỏi, nhưng bạn yêu thích cuộc sống ở địa phương, ở quê nhà, có núi, có biển, có khi là nắng cháy da. Bạn từng đi học, đi làm xa 4 năm, 7 năm, kinh nghiệm bôn ba giúp bạn dễ dàng có một công việc tốt hơn gấp 2-5 lần lần khi về quê.
2. Bạn là dân bản địa, bạn không cần xuất sắc lắm, bạn ở cùng với bố mẹ, 10 năm đầu đi làm chi phí ăn ở gần như bằng không vì có bố mẹ lo. Bạn biết tiết kiệm, và 10 năm đủ để có một khoản vốn kha khá.
3. Bạn là con một. Dĩ nhiên nhà của bố mẹ là nhà của bạn. Vấn đề bạn có thích nó hay không.
4. Bố mẹ tuy không có nhiều điều kiện, nhưng cũng đã tích lũy nhiều năm hỗ trợ cho bạn 50%, 70% vốn đề mua căn nhà đầu tiên.
5. Bạn sinh ra ở vạch đích, vừa học xong bố mẹ đã được mua ngay cho một căn hộ cao cấp chỉ chờ cưới chồng/vợ. Hoặc nhà bố mẹ cơ bản đã quá to.
Dù cho bạn nỗ lực để có được căn nhà đầu tiên từ hai bàn tay trắng hay có được sự giúp đỡ từ bố mẹ, hay từ những điều kiện thuận lợi khác thì đó đều là một việc đáng được chúc mừng.
Ở khía cạnh tiện nghi và chọn nhà cho phù hợp thì theo tôi có một số kinh nghiệm sau:
1. Nên chọn chung cư mua vào ở được ngay, cắt được khoản tiền thuê nhà.
2. Nên chọn chung cư có sẵn tiện ích như liệt kê ở trên.
3. Phải chắc chắn chung cư có sổ đỏ, và bạn làm được giấy thường trú. Vì một số chung cư quá nhỏ, dưới 30m2 có thể không làm được sổ đỏ.
4. Nên chọn chung cư đã xây 5-10 năm thay vì chung cư đang trong tiến độ. Chung cư đang trong tiến độ thì rẻ hơn, tuy nhiên nếu có sự cố thì bạn phải đợi và ôm một cục tức. Dĩ nhiên tùy mức độ chấp nhận rủi ro của bạn.
5. Với chung cư đã xây thì bạn nên thuê một căn ở đó ở vài tháng đến một năm trước khi mua. Giá thuê cao chứng tỏ chung cư bạn ở hoặc chất lượng hoặc ở một vị trí tốt. Thêm nữa việc ở một thời gian sẽ giúp bạn phát hiện những hạn chế, rủi ro nếu có và dễ dàng đổi sang một chung cư khác.
6. Chung cư đã xây 5-10 năm thì giá chỉ có bằng hoặc thấp hơn 30% so với chung cư mới toanh, nên có thể giúp bạn tối ưu chi phí trên cùng một gói tiện ích.
Hoàng Đặng
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.