Tôi là người "bỏ phố về rừng" thuộc thế hệ đầu tiên. Tôi xin kể vắn tắt công cuộc "bỏ phố về rừng" của chính bản thân mình, với mong muốn các bạn có thể rút ra được bài học kinh nghiệm nào đó.
Tôi tốt nghiệp ĐH Kinh tế TP HCM năm 1996, làm việc tại một công ty ở Thủ Đức với mức lương khá vào thời điểm đó (120 USD/ tháng). Khi đó kiến thức và thông tin xã hội của tôi vô cùng hạn chế, ngoài những kiến thức học được trên ghế nhà trường thì hầu như không có chút kinh nghiệm gì ở ngoài đời.
Tôi làm việc ở thành phố khoảng hai năm thì quyết định về quê Tây Nguyên vì một số lý do sau:
- Tôi ở thành phố một mình, không có người thân ruột thịt.
- Tôi không có nhà riêng, phải thuê nhà trọ.
- Đất đai Tây Nguyên màu mỡ, thu nhập của dân trồng cà phê rất khá giả.
- Tôi là người gốc Bắc nhập cư nên có rất nhiều đồng hương và người thân ở Tây Nguyên.
- Gia đình người yêu ở Tây Nguyên.
>> Gian nan khi bỏ 2,5 tỷ đồng làm nông trại
Chỉ một số lý do cơ bản như vậy mà tôi đã thay đổi công việc và quyết định về đất Tây Nguyên, lấy vợ và định cư ở huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông. Tôi xin vào làm kế toán của một công ty xuất nhập khẩu và mua đất rẫy làm vườn cà phê. Cuộc sống và công việc kinh tế nông thôn chân lấm tay bùn và nguồn lợi kinh doanh phụ thuộc rất lớn vào giá cả nông sản.
"Nông suy bách nghệ bại" câu nói này không bao giờ sai. Giá cà phê bấp bênh trong khoảng thời gian dài đã khiến tôi vô cùng vất vả. Nhiều lúc, tôi thấy ân hận vì quyết định bỏ phố với công việc ổn định của mình.
Than vãn nào có ích gì. Với ý chí, với tầm nhìn và kiến thức học hỏi được, tôi không nản. Khi nông dân thường có thói quen chạy theo thị hiếu thời vụ thì tôi vẫn kiên định một mục tiêu. Khi nông sản khốn khó nông dân bán tháo đất rẫy rẻ rúng thì tôi cố vay mượn chắp vá để mua thêm vào.
Cái gì cũng có tính hai mặt của nó, khó khăn cũng là cơ hội để mình có thể thu nhận thêm nhiều đất đai. Có thời điểm tôi đã có trong tay tầm 10 hecta đất rẫy loại đắc địa. Tôi chỉ mua rẫy có địa thế và thổ nhưỡng đẹp, vì cho rằng đó là điều kiện tự nhiên khó lòng thay đổi. Vì thế, khi muốn sang nhượng lại cũng thuận lợi hơn.
Dần già cũng đã 23 năm, ngồi nhìn lại cũng không rõ mình đã sai, đã đúng những gì. Có đứa bạn cùng thời với tôi hiện sống ở thành phố, quần áo sạch sẽ bóng bẩy, cơ ngơi đàng hoàng với gia sản chục tỷ lại thấy chạnh lòng, tôi nghĩ: "Giá hồi ấy...".
Nhưng cũng có đứa bạn vừa hỏi thăm, mới từ thành phố về quê. Bạn kể về luôn chứ không quay lại nữa, chán lắm rồi, về quê thanh thản chút kẻo chết héo, chết già ở đất Sài Gòn mà nào có được yên. Tôi nghĩ: "May cho mình...".
>> Vợ chồng tôi nghỉ việc, về quê dựng Farmstay
Hiện tôi có hai đứa con đang học năm cuối và năm nhất đại học ở Sài Gòn. Ở Tây Nguyên này, tôi đang sở hữu tầm gần chục hecta đất rẫy trồng cao su và cây ăn trái. Tôi chuyển đổi không làm cà phê nữa vì gia đình không có nhân lực. Tôi có một mảnh đất ở và quán cà phê kinh doanh ở khu tập trung dân cư đông đúc. Đó là thành quả của những năm tháng vật lộn với núi rừng Tây Nguyên.
Thỉnh thoảng tôi vẫn khuyên các con hãy học hành cho tốt. Con đường kiến thức vẫn là con đường ngắn nhất để đi tới vinh quang, xu thế công nghiệp hoá vẫn là tất yếu đem đến sự thịnh vượng cho nhân loại.
Tuy nhiên môi trường là giá trị của cuộc sống. Điều này không những ý nghĩa tầm vĩ mô mà thiết thực cho cá nhân mỗi người. Tôi khuyên con cái lập nghiệp ở thành phố nhưng bản thân không có ý định quay lại thị thành. Tôi ý định bán một phần gia sản ở Tây Nguyên để mua căn nhà cho con cái ở thành phố. Lúc rảnh rỗi, lúc căng thẳng mệt mỏi, lúc hoạn nạn vẫn có chỗ yên tĩnh để về.
Với tôi, không "bỏ phố về rừng" cũng không "bỏ rừng lên phố". Hãy đi bằng hai chân, nhưng chân nào bước trước là tuỳ vào hoàn cảnh khả năng của mỗi người.
Phuong Nguyen Van
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.