Ban đầu, Nanogen dự định bắt đầu giai đoạn ba thử nghiệm Nanocovax vào tháng 8/2021 và kết thúc tháng 2/2022. Giai đoạn này tiến hành trên 1.500 đến 3.000 người từ 12 đến 75 tuổi, tiếp tục đánh giá tính sinh miễn dịch và hiệu quả bảo vệ của vaccine. Tuy nhiên, quá trình thử nghiệm hai giai đoạn đầu đang diễn tiến rất thuận lợi, các kết quả cho thấy vaccine sinh miễn dịch tốt. Đây là lý do nhóm nghiên cứu cho rằng có thể đẩy nhanh hơn tiến độ thử nghiệm giai đoạn ba.
Công ty Nanogen cùng nhóm nghiên cứu tại Học viện Quân y đang gấp rút triển khai kế hoạch thử nghiệm giai đoạn ba, đảm bảo an toàn, đúng quy trình, giáo sư, tiến sĩ Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, cho biết ngày 15/4. Dự kiến đầu tháng 5, Học viện Quân y sẽ báo cáo Bộ Y tế và Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia, về kết quả thử nghiệm Nanocovax.
Cụ thể, các bên xem xét, đánh giá cơ sở khoa học của thử nghiệm giai đoạn hai, cho phép xây dựng một liều lượng cho mỗi tiêm, tức là lựa chọn liều sinh miễn dịch tốt nhất trong số 3 liều đang thử nghiệm gồm 25, 50 và 75 mcg. Liều được chọn sẽ dùng để thử nghiệm giai đoạn ba. Nếu cả 3 liều đều sinh miễn dịch tốt như nhau thì sẽ chọn liều lượng thấp nhất.
"Nếu kế hoạch này được Bộ Y tế phê duyệt, chúng tôi chuẩn bị song song vừa hoàn thiện giai đoạn hai, vừa tiêm giai đoạn ba", ông Quyết cho biết cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia chống Covid-19 ngày 14/4.
Hiện 554 tình nguyện viên (6 người rút khỏi thử nghiệm), sau khi tiêm mũi hai giai đoạn hai có triệu chứng sốt nhẹ, đau chỗ tiêm tự hết, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi... Tất cả phản ứng này hết nhanh, không cần can thiệp y tế. Hiện, sức khỏe sau khi tiêm của các tình nguyện viên đều ổn định. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc trong nhóm tình nguyện viên thử nghiệm vaccine Nanocovax. Hai chính khách đã tiêm mũi hai tại Học viện Quân y vào sáng 26/3. Hiện cả hai ông đều khỏe.
Nanocovax là vaccine Covid-19 đầu tiên của Việt Nam thử nghiệm trên người. Covivac là vaccine Covid-19 thứ hai của Việt Nam thử nghiệm trên người.
Tính đến ngày 14/4, Việt Nam đã tiêm vaccine Covid-19 AstraZeneca cho hơn 62.000 người, đều thuộc nhóm ưu tiên trên tuyến đầu phòng chống Covid-19. Đến nay Việt Nam có hai đợt tiếp nhận vaccine AstraZeneca, trong đó đợt đầu hơn 117.000 liều tiếp nhận qua Công ty VNVC vào cuối tháng 2 và đang triển khai tiêm chủng; đợt thứ hai hơn 800.000 liều do cơ chế Covax của Liên Hợp Quốc cung ứng, đang được Bộ Y tế phân bổ đến 63 tỉnh thành để tổ chức tiêm cho các nhóm ưu tiên.
Hiện nay nguồn cung vaccine Covid-19 trên thế giới rất khan hiếm. Vaccine AstraZeneca được cho là gây tác dụng phụ đông máu, bị Đan Mạch ngừng sử dụng hoàn toàn, một số nước tạm đình chỉ dùng. Việt Nam vẫn tiếp tục triển khai tiêm chủng, đến nay chưa ghi nhận trường hợp đông máu nào. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam vừa tăng cường tìm kiếm nguồn cung ứng vaccine Covid-19 từ nước ngoài, vừa thúc đẩy tiến độ nghiên cứu, phát triển vaccine trong nước để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng toàn dân.
Thùy An - Chi Lê