"Chúng tôi tiếp tục triển khai tiêm như kế hoạch, đẩy nhanh tiến độ tiêm theo thứ tự đồng thời theo dõi các phản ứng sau tiêm. Hiện chưa ghi nhận hiện tượng đông máu sau tiêm nào", ông Tấn nói với VnExpress sáng 15/4 sau khi Đan Mạch tuyên bố ngừng hoàn toàn vaccine AstraZeneca, nhiều quốc gia giới hạn độ tuổi tiêm chủng.
Vaccine AstraZeneca là loại đang được sử dụng tại Việt Nam, gồm 117.600 liều nhập khẩu hồi tháng 2 và đang tiêm chủng hai tháng qua (đợt một); cùng hơn 800.000 liều do cơ chế Covax của Liên Hợp Quốc cung cấp vào đầu tháng 4, bắt đầu tiêm ở 63 tỉnh thành (đợt hai).
Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19 sáng 15/4 chỉ đạo khẩn trương tiêm vaccine Covid-19 theo kế hoạch, đảm bảo đúng tiến độ xong trước ngày 15/5. Ngành y tế thành lập các đội xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng, chuẩn bị thuốc chống sốc phản vệ để xử trí kịp thời trường hợp phản ứng nặng.
Cả thế giới đang thiếu nguồn cung cấp vaccine Covid-19. Do đó, "Việt Nam phải cố gắng hết sức để có vaccine ngừa Covid-19 sớm nhất", Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trong cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, tối 14/4.
Theo Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia, tính đến ngày 14/4 tổng cộng 62.028 người đã tiêm, tại 19 tỉnh, thành phố. Họ là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên tổ Covid-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, công an. Nhiều tỉnh, thành phố lên kế hoạch triển khai đợt hai tiêm vaccine.
Về tình hình sản xuất vaccine trong nước, giáo sư, tiến sĩ Đỗ Quyết, Giám đốc Học viên Quân y, Bộ Quốc phòng, cho biết ngày 15/4 kết thúc việc lấy mẫu máu người tiêm thử nghiệm giai đoạn hai vaccine Nanocovax. Kế hoạch lấy mẫu máu người thử nghiệm được tiến hành tại hai điểm nghiên cứu là Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) và Viện Pasteur TP HCM.
Dự kiến đầu tháng 5, Học viện Quân y sẽ báo cáo Bộ Y tế và Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia xem xét, đánh giá các cơ sở khoa học của giai đoạn hai thử nghiệm, cho phép chọn sử dụng một liều lượng hiệu quả nhất cho mỗi mũi tiêm, thay vì ba liều lượng 25, 50, 75 mcg trong thử nghiệm. "Sau đó chuẩn bị song song vừa hoàn thiện giai đoạn hai, vừa tiêm giai đoạn ba Nanocovax", giáo sư Quyết nói.
Kể từ khi được triển khai, vaccine AstraZeneca gây nhiều tranh cãi. Hồi tháng 3, hàng loạt quốc gia châu Âu như Đức, Pháp, Italy ngừng sử dụng sản phẩm do lo ngại về chứng đông máu.
Ngày 18/3, Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) tuyên bố vaccine "an toàn và hiệu quả", không liên quan đến tình trạng huyết khối tĩnh mạch. Các nước nối lại chương trình tiêm chủng.
Tuy nhiên, số ca đông máu xảy ra nhiều hơn. Hôm 7/4, EMA thay đổi quan điểm, công nhận máu đông là "tác dụng phụ hiếm gặp của vaccine". Nhiều quốc gia sau đó đã giới hạn độ tuổi tiêm chủng. Tuy vậy, EMA cũng như Tổ chức Y tế Thế giới vẫn khuyến nghị tiếp tục tiêm vaccine bởi "những lợi ích to lớn hơn các rủi ro".
Ngày 14/4, Đan Mạch là nước đầu tiên ở châu Âu ngừng hoàn toàn sử dụng vaccine AstraZeneca. Hai trong số 140.000 người Đan Mạch tiêm vaccine AstraZeneca đã bị đông máu, một trong đó tử vong. Đan Mạch tiếp tục triển khai vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna.
Thùy An