Theo Digital Trends, nếu tìm kiếm những thiết bị chặn sóng 5G, người dùng có thể chọn chiếc mũ trùm đầu 55 USD hoặc chiếc chăn với giá lên tới 500 USD. Công ty DefenderShield tại Mỹ còn quảng cáo hàng loạt thiết bị đối phó với 5G, như vòng đeo bụng 113 USD cho phụ nữ mang thai hay vòng cổ 125 USD cho thú cưng. Thậm chí, người dùng có thể bỏ ra 100 USD cho buổi tư vấn dài 30 phút với công ty Shield Your Body để lựa chọn sản phẩm phù hợp với mình.
Tất cả những thứ trên đều có hai điểm chung: chúng bán rất chạy và hoàn toàn vô dụng.
Ngành kinh doanh đang sinh lời
"Mọi người nhận ra những hiểm họa đi kèm với phát xạ điện từ đang ngày càng lớn, trong bối cảnh thiết bị không dây trở nên phổ biến và trạm thu phát sóng 5G được dựng khắp nơi", Dimitry Serov, CEO công ty Aires Tech chuyên bán các sản phẩm được quảng cáo có khả năng chặn bức xạ tại Canada, cho hay.
Air Tech ghi nhận kỷ lục bán hàng trong quý III/2020, với doanh thu tăng 322% so với cùng kỳ năm trước đó. Thiết bị chống 5G bán "đắt như tôm tươi" trên các hệ thống giao dịch như Amazon, trong khi lượt tìm kiếm các từ khóa liên quan tới "bảo vệ khỏi trường bức xạ điện từ (EMF) 5G" cũng tăng mạnh trên Google.
Nỗi sợ hãi bức xạ từ điện thoại di động thực tế đã xuất hiện từ hàng chục năm qua, nhưng các sản phẩm chặn sóng 5G có mức độ thành công vượt xa thiết bị thời 3G và 4G. Lý do là những nhà sản xuất đã chuẩn bị cho quá trình này từ lâu và chỉ chờ đến lúc này để thu lời.
Cuộc lừa đảo lâu dài
Thu lợi từ nỗi sợ 5G vô cớ có thể coi là trò lừa bịp của nhiều công ty sản xuất. Họ dành phần lớn thời gian đăng thông tin giả, sai lệch và thuyết âm mưu về 5G trên mạng. "Bức xạ điện từ rất độc hại. Không có cách nào loại bỏ, chỉ có giải pháp cải tiến độ an toàn của công nghệ. Đó là lý do tôi sáng lập công ty này", R Blank, ông chủ Shield Your Body, cho hay.
Blank cho biết đã tung ra hàng loạt sản phẩm "chống bức xạ điện từ" sau khi cùng viết cuốn sách "Overpowered" với người cha quá cố Martin Blank về tác động của bức xạ với sinh vật. Martin Blank là một trong những người thúc đẩy giả thuyết cho rằng tín hiệu điện thoại có hại cho con người.
Công ty Aires Tech cũng được thành lập bởi Dimitry Serov sau khi gia đình ông nghiên cứu về "tác hại của bức xạ điện từ".
Những nỗ lực trên đã có kết quả, thể hiện qua doanh số bán hàng. Tuy nhiên, không ai biết các thiết bị chống 5G hoạt động như thế nào, dựa trên nguyên lý gì và có thực sự hiệu quả hay không.
Vấn đề gây tranh cãi
Aires Tech cho biết thiết bị của mình được trang bị chất bán dẫn có khả năng hấp thụ tĩnh điện từ không khí và tạo thành hologram, từ đó biến bức xạ điện từ thành dạng phù hợp với sinh vật sống. DefenderShield và Shield Your Body lại tiết lộ sản phẩm kết hợp nhiều vật liệu, trong đó có kim loại, nhằm chặn sóng 5G.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng không có bằng chứng ủng hộ những lời quảng cáo trên. "Đó chỉ là những màn trình diễn phức tạp và hoàn toàn vô tác dụng", David Robert Grimes, trợ lý giáo sư ngành vật lý y sinh thuộc Đại học Dublin tại Ireland, cho hay.
Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) cũng nhiều lần gọi những thiết bị này là "trò lừa đảo".
Ủy ban Quốc tế về Bảo vệ bức xạ không ion hóa (ICNIRP) khẳng định không cần thiết bị che chắn sóng 5G nếu nhà sản xuất và người dùng tuân thủ chỉ dẫn an toàn. Tổ chức này cho biết, mọi nỗ lực giảm phơi nhiễm với bức xạ sẽ chỉ khiến thiết bị 5G tưởng kết nối đang kém đi và càng tăng công suất thu phát, vô hiệu hóa mọi nỗ lực cản trở.
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ và ICNIRP nhiều lần tuyên bố phát xạ từ thiết bị di động và trạm thu phát sóng không gây hại cho sức khỏe, nên những sản phẩm chặn 5G không cần thiết.
Trách nhiệm của mạng xã hội
Grimes cho rằng, những nhóm tung tin đồn về 5G vẫn tiếp tục nở rộ, bất chấp cảnh báo từ giới chức, bởi họ "ngày càng biết cách lợi dụng mạng xã hội để phát tán những thông tin gây sợ hãi với những người kém hiểu biết".
Các mạng xã hội đã tìm cách chặn thông tin giả hoặc sai lệch, nhưng thực hiện không đều đặn, khiến người dùng lạc vào ma trận với hàng loạt bài viết quảng cáo hoặc chào bán thiết bị đối phó EMF.
Trên TikTok, các video dùng hashtag "#emf" có hơn 70 triệu lượt xem. Một số báo cáo gần đây cho thấy những người tin công nghệ 5G và Covid-19 có liên quan đến nhau chủ yếu lấy thông tin ở trên YouTube.
Tin giả thậm chí giúp kẻ xấu kích động người dùng mạng xã hội phá hoại trạm thu phát 5G. Theo thống kê ở Anh, 77 trạm thu phát 5G bị đốt trong một tháng đầu năm 2020 vì tin giả rằng 5G là nguyên nhân khiến Covid-19 bùng phát.
Những hãng khổng lồ công nghệ như Facebook, Amazon và Google vẫn làm ngơ cho nhiều doanh nghiệp, trong đó có Aires Tech, chạy quảng cáo bất chấp chính sách cấm các sản phẩm giả khoa học và thiết bị chặn EMF.
Sự thiếu vắng hoạt động kiểm soát khiến các nhà sản xuất thiết bị chặn 5G có thể mở rộng danh sách sản phẩm lừa đảo mà không sợ bị trừng phạt. Doanh số bán hàng ngày càng tăng trong bối cảnh tin giả về 5G tiếp tục lan truyền, gây lo ngại về nguy cơ sự thật bị nhấn chìm giữa những lời quảng cáo mang tính lừa đảo.
Điệp Anh (theo Digital Trends)