Nhóm thu thập thông tin tình báo nguồn mở Conflict Intelligence Team (CIT) ngày 15/1 nhận định Nga đã triển khai ít nhất hai lữ đoàn tên lửa Iskander thuộc biên chế Quân khu phía Đông tới khu vực biên giới phía tây.
Các bức ảnh trên mạng xã hội cho thấy những đoàn tàu chở theo lượng lớn khí tài của Nga, trong đó có các phương tiện được bọc trong bạt kín bị nghi là bệ phóng tên lửa của tổ hợp Iskander.
CIT cho biết các chuyến tàu này có thể đã chở tổ hợp Iskander cùng nhiều khí tài khác tới gần nơi đóng quân của lữ đoàn tên lửa số 103 và 107. Các đơn vị trang bị tên lửa Iskander này nằm trong biên chế hai quân đoàn hợp thành số 35 và 36.
Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về thông tin trên.
Nga gần đây được cho là điều thêm khí tài chiến thuật tới khu vực phía tây gần Ukraine. Truyền thông Mỹ hồi tuần trước đưa tin quân đội Nga điều thêm trực thăng tấn công và vận tải tới khu vực, có thể mang lại lợi thế quan trọng trong trường hợp họ phát động tấn công Ukraine.
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây gần đây leo thang sau khi Mỹ, NATO cáo buộc Nga điều khoảng 70.000-100.000 quân tới sát biên giới với Ukraine, bày tỏ lo ngại nước này có thể phát động một cuộc chiến tổng lực. Nga bác bỏ cáo buộc và tuyên bố chúng "vô căn cứ", khẳng định mọi động thái quân sự ở biên giới phía tây hoàn toàn vì mục đích phòng thủ.
Moskva tháng trước đưa ra loạt đề xuất an ninh với phương Tây nhằm tìm cách giảm hiện diện quân sự của NATO xuống mức những năm 1990. Nga cũng yêu cầu NATO đảm bảo không mở rộng liên minh về phía đông hoặc triển khai vũ khí, lực lượng ở các quốc gia thuộc Liên Xô cũ.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki ngày 14/1 cáo buộc đặc nhiệm chuyên tác chiến đô thị và chất nổ của Nga đã xâm nhập miền đông Ukraine để thực hiện chiến dịch tạo cớ tấn công. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 16/1 bác bỏ cáo buộc, khẳng định không có bất cứ quân nhân Nga nào ở vùng Donbass hay khu vực khác của Ukraine.
Iskander là tên lửa một tầng đẩy sử dụng nhiên liệu rắn, trang bị hệ thống dẫn đường vệ tinh, có chiều dài 7,2 m, đường kính 0,95 m, khối lượng phóng 3,8 tấn, tầm bắn tối đa 500 km, có thể mang cả đầu đạn thông thường cũng như đầu đạn hạt nhân.
Điểm nổi bật của Iskander là khả năng xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa trên thế giới. Mỗi quả đạn có tốc độ tối đa 9.350 km/h cùng tính năng liên tục thay đổi đường bay và tung mồi bẫy, nhằm vô hiệu hóa các nỗ lực đánh chặn của đối phương.
Phiên bản Iskander-M còn được trang bị đầu dò quang - điện tử cùng liên kết dữ liệu với máy bay không người lái (UAV) hoặc phi cơ cảnh báo sớm và chỉ huy trên không, cho phép tên lửa đánh trúng cả mục tiêu di động với sai số chỉ hai mét. Ngoài Nga, chỉ có Armenia và Algeria sở hữu loại tên lửa này.
Nguyễn Tiến (Theo Defense Blog)