-
9h15
Còn 25 đại biểu đăng ký chất vấn Thống đốc
Kết thúc phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết đã có 57 đại biểu đăng ký chất vấn, 32 đại biểu nêu câu hỏi, 5 câu hỏi tranh luận. 25 đại biểu đăng ký nhưng hết thời gian, đề nghị gửi câu hỏi chất vấn tới Thống đốc để được trả lời bằng văn bản.
Ông nhận xét, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng mới nhận nhiệm vụ hơn 1 năm, nhưng có nhiều năm công tác tại Ngân hàng Nhà nước nên đã chuẩn bị kỹ lưỡng, nắm chắc vấn đề và trả lời thẳng các vấn đề đại biểu quan tâm.
-
9h05
Phó thủ tướng: Vẫn cho vay nếu doanh nghiệp bất động sản tốt
"Chia lửa" với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Phó thủ tướng Lê Minh Khái giải trình thêm các vấn đề chất vấn đại biểu Quốc hội nêu. Ông khẳng định, điều hành chính sách tiền tệ vừa qua chủ động, linh hoạt và "không làm tăng lạm phát". Lạm phát tăng chủ yếu do tăng giá hàng hoá, trong đó có mặt hàng chủ yếu là xăng dầu.
Ví dụ, với 13 đợt tăng giá xăng dầu trong 5 tháng đầu năm, giá đắt thêm 7.300-7.900 đồng một lít, tức là 59,49% trong 5 tháng. Mức này đã tác động tới CPI chung tăng 1,8 điểm phần trăm.
Phó thủ tướng cho hay, tới đây Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tăng trưởng tích cực, mặt bằng lãi suất hợp lý, tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định; dự trữ ngoại hối củng cố để hỗ trợ. Người dân, doanh nghiệp, nâng cao sức chống chịu nền kinh tế.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái. Ảnh: Hoàng Phong
Trước áp lực giá hàng hoá tăng cao, xu hướng Ngân hàng trung ương các nước tăng lãi suất, Chính phủ sẽ theo sát tình hình trong nước, điều hành linh hoạt đồng bộ các công cụ điều hành tiền tệ, để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, hỗ trợ phục hồi kinh tế. Cơ quan điều hành khuyến khích các ngân hàng giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay; tăng trưởng tín dụng phù hợp để đủ vốn cho sản xuất, kinh doanh; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Về room tín dụng, Phó thủ tướng nói sẽ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu điều kiện, tiêu chuẩn để tránh áp đặt hành chính.
Liên quan tới cho vay chứng khoán, bất động sản..., Phó thủ tướng Lê Minh Khái chia sẻ, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tín dụng đáp ứng đủ vốn cho sản xuất, kinh doanh và hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt với các lĩnh vực tiềm ẩn. Với dự án vay vốn trong lĩnh vực bất động sản, doanh nghiệp có tính khả thi, thanh khoản tốt, có khả năng trả nợ thì tiếp tục cấp tín dụng. Đây là chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ thời gian qua.
Trước quan điểm "siết" tín dụng vào bất động sản, Phó thủ tướng cho rằng, phải rà soát lại việc cho vay vừa qua có đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện hay chưa."Nếu trước đây làm chưa đúng thì phải rà soát, điều chỉnh lại cho đúng, còn nếu làm đúng rồi thì tiếp tục cho vay. Với dự án, chương trình hiệu quả thì tiếp tục cho vay, cấp vốn, đảm bảo tín dụng cho nền kinh tế", Phó thủ tướng khẳng định.
-
9h00
Giao dịch bất thường trên 1.000 USD sẽ chuyển cơ quan điều tra
Đại biểu Mai Khanh (Ninh Bình) nêu thực tế, qua các chuyên án đấu tranh đánh bạc, cá độ xuyên quốc gia cho thấy các đối tượng này chuyển số tiền cực lớn, bộc lộ sự yếu kém trong công tác kiểm soát và quản lý các cổng thanh toán. "Trách nhiệm của ngành ngân hàng trong việc kiểm soát, quản lý cổng thanh toán quốc gia như thế nào. Giải pháp thời gian tới thế nào", ông Khanh chất vấn.
Vị đại biểu tỉnh Ninh Bình cũng đề nghị Thống đốc Ngân hàng giải thích rõ về tín dụng đen.
Đại biểu Mai Khanh (Ninh Bình). Ảnh: Media Quốc hội
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc chuyển tiền qua biên giới là hoạt động thường xuyên trong bối cảnh Việt Nam hội nhập với nền kinh tế thế giới. Số lượng các giao dịch về thương mại và đầu tư ngày càng lớn và yêu cầu thanh toán hàng ngày càng cao. Các giao dịch thanh toán qua biên giới phân ra thành nhiều loại hình giao dịch vãng lai như hàng hóa, dịch vụ hoặc chuyển tiền phục vụ mục đích tiêu dùng thì các tổ chức, cá nhân được tự do thực hiện.
Mỗi ngày có nhiều triệu giao dịch nên nếu các tổ chức tín dụng kiểm soát trước thì không thể được, gây sẽ ách tắc toàn bộ các giao dịch. Vì vậy, trong các quy định hiện hành, ngân hàng sẽ kiểm tra những chứng từ và các tổ chức cá nhân tự chịu trách nhiệm về sự chính xác của chứng từ đó. Cũng có doanh nghiệp, cá nhân có chứng từ giả mạo, cán bộ ngân hàng khi thực hiện thanh toán khó mà xác định ngay được nên kiểm tra sau.
"Chúng ta có luật về phòng chống rửa tiền, tất cả giao dịch bằng ngoại tệ trên 1.000 USD thì sẽ được đưa vào hệ thống của giao dịch đáng ngờ, qua phân tích dữ liệu, nếu như có bất thường, dấu hiệu nghi ngờ thì Ngân hàng Nhà nước sẽ chuyển cho các cơ quan của pháp luật điều tra, xác minh", bà Hồng cho hay.
Còn đối với nhu cầu thanh toán, theo lệnh của chủ tài khoản, các tổ chức tín dụng phải thực hiện theo yêu cầu. Đương nhiên doanh nghiệp, người dân là chủ tài khoản phải nhận thức được những giao dịch nào bị cấm không thực hiện, giao dịch nào được thực hiện.
Trả lời về tín dụng đen, bà Hồng nói việc này đòi hỏi sự tham gia của nhiều bộ ngành. Để phòng chống, Bộ Công an chủ trì, ngân hàng tăng cường kênh cung ứng vốn chính thức. Hiện đã có đầy đủ chính sách, khuôn khổ pháp lý để các tổ chức tín dụng và công ty tài chính cho vay với cá nhân, đặc biệt nhỏ lẻ ở vùng sâu. Các đối tượng này tiếp cận tín dụng khó vì đây là nhóm có điều kiện khó khăn, không có tài sản đảm bảo, cho vay thì sẽ có rủi ro nên công ty tài chính tiêu dùng sẽ cung cấp phân khúc này với lãi suất cao để bù đắp rủi ro khi người dân không trả được nợ.
-
8h55
Mặt bằng lãi suất tăng, cách nào ổn định vĩ mô, lạm phát?
Ông Hà Sỹ Đồng, đại biểu Quảng Trị, đặt vấn đề, Thống đốc xử lý thế nào tình huống xảy ra, mặt bằng lãi suất thế giới tăng, trong khi trong nước được yêu cầu phải giữ ổn định, phấn đấu giảm thêm?.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước phải kiểm soát tổng phương tiện thanh toán nền kinh tế qua siết van tín dụng cấp vốn cho nền kinh tế, nhưng cũng được yêu cầu nới hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại để cho vay chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị quyết 43. "Thống đốc chọn giải pháp hy sinh mỗi thứ một ít, hay không làm gì, hay có giải pháp nào khác để đạt các mục tiêu trên?", ông hỏi.
Khi trả lời, Thống đốc thừa nhận điều hành tiền tệ "cũng đang chịu áp lực" trong bối cảnh lãi suất quốc tế tăng cao như vậy, nhưng chúng ta phải ổn định, thậm chí giảm. "Chúng tôi phải cân đối hài hoà các giải pháp, công cụ, kể cả giải pháp điều hành tín dụng, tỷ giá... để có lợi nhất cho ổn định vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân nhưng không chủ quan lạm phát", bà nói.
-
8h50
Ngân hàng chia sẻ với doanh nghiệp chưa tương xứng?
Đại biểu Trần Văn Lâm chất vấn về sự chia sẻ của ngành ngân hàng với doanh nghiệp thời gian qua đã tương xứng chưa, trong khi hệ thống ngân hàng gặp khó khăn, cả hệ thống chính trị góp sức hỗ trợ với Nghị quyết 42 của Quốc hội khóa XIV.
Ông cũng dẫn chứng lại, hai năm qua kinh tế tăng trưởng thấp kỷ lục, nhiều doanh nghiệp đổ vỡ, phá sản rút khỏi thị trường; người dân lao đao vì dịch dã. Nhiều khoản nợ ngân hàng đến hạn không trả được. Nhưng hầu hết nhà băng vẫn lợi nhuận cao, chia lãi khủng. Ông Lâm đề nghị Thống đốc chia sẻ về vấn đề này, liệu đây có phải "nỗi oan Thị Kính?".
Đại biểu Trần Văn Lâm. Ảnh: Media Quốc hội
Trả lời, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói, các tổ chức tín dụng thời gian qua theo kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước tham gia đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân. Khi Covid-19 xảy ra từ đầu năm 2020 đến nay, các tổ chức tín dụng đã miễn giảm lãi cho doanh nghiệp, người dân. Tổng số miễn giảm là 48.000 tỷ đồng, đây cũng là sự chia sẻ của hệ thống ngân hàng.
Bà giải thích thêm, bản thân hệ thống ngân hàng là trung gian tài chính, nguồn thu là từ thu lãi và các loại hình dịch vụ khác, nhưng cũng gắn liền với rủi ro và nợ xấu có thể thường xuyên phát sinh. Các ngân hàng cần có nguồn tài chính dự phòng để xử lý nợ xấu.
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư cho phép các nhà băng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp và người dân. Các tổ chức tín dụng tham gia rất tích cực. Nhiều doanh nghiệp nợ xấu, lẽ ra không đủ điều kiện vay vốn, nợ xấu, không có khả năng trả nợ, nên không được vay vốn. Nhưng bằng cách này, các doanh nghiệp, người dân có thể được vay vốn trở lại.
Trong 5 tháng đầu năm nay, tín dụng tăng trưởng 8%. Mức này theo Thống đốc là cao, cho thấy đây cũng là nhờ thông Thông tư tái cơ cấu các khoản vay và cho phép giữ nguyên nhóm nợ, nên các doanh nghiệp có khả năng phục hồi sau đại dịch thì tiếp tục được vay vốn.
Về vấn đề lợi nhuận cao của ngân hàng, bà Hồng nói các nhà băng được thành lập họ có mục tiêu kinh doanh vì lợi nhuận. Tuy nhiên, ngân hàng có quy mô vốn và tài sản là rất lớn. Hiện nay nếu đến cuối năm 2020, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng tổng tài sản là 14 triệu tỷ đồng, đến tháng 3/2022 lên đến hơn 16 triệu tỷ đồng, tín dụng 12 triệu tỷ đồng. Tài sản của một tổ chức tín dụng, như ngân hàng thương mại nhà nước, khoảng 1,7 triệu tỷ đồng. Lợi nhuận sinh lời là mười mấy nghìn hay hai mươi nghìn tỷ đồng trên tổng số tài sản đó thì không phải là lớn. Tỷ lệ sinh lời trên vốn của một số tổ chức tín dụng so với các doanh nghiệp ở các ngành khác không cao.
-
8h35
Giảm độc quyền vàng miếng của SJC để hạ giá vàng trong nước?
Chưa hài lòng về câu trả lời của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng về chuyện SJC độc quyền thương hiệu vàng miếng, ông Phạm Văn Hoà, Phó trưởng đoàn đại biểu Đồng Tháp, giơ biển tranh luận. Theo ông, Nghị định 24 đã có hiệu lực 10 năm, khi đó vàng thế giới trên dưới 1.600 USD một ounce, vàng trong nước cũng chỉ 30 triệu đồng, nhưng giờ giá trong nước đã lên tới 70 triệu đồng.
"Tại sao không sửa nghị định này? Có nên để SJC độc quyền hay không, hay Ngân hàng giao đơn vị, tổ chức làm một thương hiệu vàng khác để giảm sự độc quyền của SJC, thị trường vàng hạ xuống. Giá vàng cứ tăng thế này thì lạm phát sẽ tăng, tiền đồng mất giá", ông Hoà lo lắng.
Ông Phạm Văn Hoà, Phó trưởng đoàn đại biểu Đồng Tháp. Ảnh: Media Quốc hội
Chia sẻ lo ngại của đại biểu Hoà, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhắc lại quy định tại Nghị định 24, là cho phép Ngân hàng Nhà nước được độc quyền vàng miếng. "Ở đây Ngân hàng Nhà nước thuê SJC sản xuất thương hiệu vàng miếng quốc gia", bà nhắc lại.
Bà nói thêm, việc nên để thêm thương hiệu khác cùng sản xuất vàng miếng quốc gia để giảm độc quyền của SJC hay không, thì quá trình sửa nghị định này ngành ngân hàng sẽ lắng nghe, xin ý kiến rộng rãi.
-
8h30
Doanh nghiệp khó vay vốn làm dự án giao thông?
Đại biểu Cao Thị Xuân hỏi, các dự án giao thông chủ yếu đề xuất chuyển sang đầu tư công có phải do huy động vốn tín dụng ngân hàng khó khăn?
Đại biểu Cao Thị Xuân. Ảnh: Media Quốc hội
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trả lời, việc triển khai các dự án công trình giao thông là rất quan trọng, cần vốn từ nhiều nguồn, có đầu tư công, vốn nước ngoài, vốn tư nhân, trong đó vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng.
Do vốn phục vụ các nhu cầu xây dựng giao thông thường giá trị rất lớn, thời hạn vay dài, tài sản đảm bảo chủ yếu là quyền thu phí. Thực tế, thời gian qua các ngân hàng cho vay với dự án BOT có khó khăn, bởi nợ xấu trong các dự án này cao, nhiều dự án phương án tài chính không được như ban đầu. Thời gian tới, chính sách của Ngân hàng Nhà nước với các dự án BOT cũng là cơ sở để ngân hàng thẩm định, cho vay. Ngân hàng nào cho vay vượt tỷ lệ đảm bảo an toàn thì cần đồng tài trợ với các tổ chức tín dụng khác. Nếu vượt 15% và 25% theo quy định Luật Các tổ chức tín dụng thì sẽ trình Thủ tướng quyết định.
Theo bà Hồng, trên thực tế, để triển khai các dự án giao thông có nhiều khâu, nhiều tổ chức cá nhân tham gia, ví dụ doanh nghiệp tham gia triển khai thi công một số đoạn, một số khâu trong quá trình xây dựng thì hệ thống ngân hàng vẫn cung cấp vốn tín dụng.
-
8h25
Lo 2 triệu tỷ đồng vay cấp bù lãi suất 'rót' vào lĩnh vực rủi ro
Ông Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách chất vấn về gói hỗ trợ lãi suất vay 2% trị giá khoảng 40.000 tỷ đồng của ngành ngân hàng. Tức là sẽ có khoảng 2 triệu tỷ đồng được giải ngân từ chương trình vay này. Ông hỏi về giải pháp để kiểm soát dòng vốn này, ngăn nó đi vào các lĩnh vực rủi ro.
Ông cũng muốn biết Ngân hàng Nhà nước có giải pháp nào để các doanh nghiệp có khoản nợ cũ, hiện không có tài sản đảm bảo, nhưng có phương án kinh doanh tốt, thuộc nhóm cần được phục hồi... tiếp cận được gói hỗ trợ cấp bù lãi suất này.
Giải trình sau đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng giải thích, gói hỗ trợ lãi suất 2% được người dân, để thiết kế các quy định đảm bảo triển khai thuận lợi, hạn chế khó khăn, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, cùng các bộ, ngành đã họp bàn nhiều cuộc.
Hai nhóm đối tượng được vay: một là doanh nghiệp, tổ chức thuộc một số ngành, lĩnh vực theo Nghị định 27 của Chính phủ. Hai là đối tượng có nhu cầu vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân...
Các bộ, ngành liên quan tham gia trong khâu quyết toán, và sự tham gia của Kiểm toán Nhà nước trước khi Bộ Tài chính quyết toán khoản vay này.
Doanh nghiệp có khoản nợ cũ, hiện không có tài sản đảm bảo, các nào tiếp cận gói hỗ trợ này hay không? Bà Hồng thông tin, gói cho vay hỗ trợ này nằm trong chương trình phục hồi, phát triển kinh tế thì phải là doanh nghiệp có khả năng trả nợ, phục hồi. Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng phải cho vay đúng đối tượng. Tức là dù trong ngành, lĩnh vực được vay nhưng doanh nghiệp đó sẽ không thể vay nếu không có khả năng trả nợ và phục hồi. Việc này nhằm đảm bảo dòng vốn đi vào đúng đối tượng cần.
-
8h20
Ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn nhất Việt Nam chỉ 3,8 tỷ USD
Trả lời đại biểu Cao Thị Xuân, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết năng lực, tiềm lực tài chính của hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam so với các nước vẫn còn hạn chế, quy mô về vốn thấp. Trong bốn ngân hàng thương mại Nhà nước Việt Nam, ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn nhất cũng chỉ 3,8 tỷ USD. Trong khi đó, ở các nước trong khu vực phải hơn 10 tỷ USD.
Vì vậy, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tham mưu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền để trong quá trình tái cơ cấu hệ thống, các ngân hàng phải tăng vốn để củng cố tiềm lực về vốn trong hoạt động.
-
8h15
Ngân hàng nào cũng muốn tăng trưởng tín dụng nhiều
Chiều 8/6, đại biểu Trịnh Xuân An, Uỷ viên Uỷ ban Quốc phòng an ninh chất vấn việc cấp hạn mức tín dụng của Ngân hàng Nhà nước hiện nay mang "dáng dấp bao cấp" và "có nên thực hiện thời gian tới nữa hay không", ông An nói.
Trả lời thêm đại biểu An tại phiên chất vấn sáng nay, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng giải thích, Việt Nam có đặc thù riêng. "Ngân hàng Thế giới đánh giá, Việt Nam là nước lệ thuộc vốn ngân hàng lớn nhất thế giới. Điều này có nguy cơ rủi ro, nên công cụ cấp hạn mức tín dụng này vừa qua hiệu quả, chặn được các cuộc đua lãi suất, huy động tín dụng cao. Có những năm tín dụng nền kinh tế tăng tới 53,8%", bà nói.
Trước quan điểm cho rằng việc cấp hạn mức tín dụng này "chặn" dòng vốn rẻ tới người vay, Thống đốc nhận xét, ngân hàng nào khi thành lập đều muốn tăng trưởng tín dụng nhiều, nhưng ở "vai" Ngân hàng Nhà nước phải nhìn ở góc độ điều hành vĩ mô. "Nếu đáp ứng hết hạn mức mong muốn của ngân hàng thương mại thì sẽ không ổn định được vĩ mô như hiện nay", bà khẳng định.
Thống đốc bị chất vấn về cấp hạn mức tín dụng cho ngân hàng
Đại biểu Quốc hội chất vấn tính hợp lý của việc cấp "room" tín dụng và cho rằng biện pháp này mang dáng dấp "bao cấp", can thiệp vào hoạt động của các nhà băng.