-
16h55
Vì sao vàng miếng SJC cao hơn thương hiệu khác quá nhiều?
Giơ biển tranh luận, đại biểu Nguyễn Phương Thủy nói có phải do độc quyền thương hiệu quốc gia vàng miếng SJC là một trong những nguyên nhân dẫn đến giá vàng miếng này tăng cao như hiện nay hay không? Bởi cũng là vàng miếng loại khác, như của Bảo Tín Minh Châu thấp hơn vàng miếng SJC đến 15 triệu đồng (theo giá hôm nay). Xét về giá thành cũng như so với giá thế giới, chênh lệch như vậy quá lớn. Bà Thủy đề nghị Thống đốc xem xét thêm về nội dung này.
-
16h50
Ngân hàng cho vay chứng khoán phải kiểm soát rủi ro
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé hỏi quan điểm của Ngân hàng Nhà nước với cấp tín dụng cho đầu tư, kinh doanh chứng khoán, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng và có những giải pháp gì khi thị trường này đang tiềm ẩn rủi ro.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé. Ảnh: Media Quốc hội
Trả lời, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết đã có khuôn khổ pháp lý để các ngân hàng tham gia vào thị trường chứng khoán, phải kiểm soát được rủi ro. Ví dụ, các ngân hàng không được trực tiếp mua cổ phiếu của doanh nghiệp mà phải lập công ty con, công ty liên kết để mua. Nếu tổ chức tín dụng trực tiếp mua sẽ có rủi ro về chi trả khi người dân rút tiền. Khi lập công ty con, công ty liên kết để mua cổ phiếu, rủi ro được tách biệt.
Với trái phiếu doanh nghiệp, ngoài vai trò tổ chức tín dụng trực tiếp mua trái phiếu doanh nghiệp mà còn cấp tín dụng cho tổ chức, cá nhân đầu tư vào chứng khoán (gồm cả cổ phiếu, trái phiếu). Ngân hàng Nhà nước đã quy định khi cấp tín dụng cho việc đầu tư vào các lĩnh vực này không vượt qua 5% vốn điều lệ. Còn việc cấp tín dụng do tổ chức tín dụng thỏa thuận với khách hàng.
Với bất động sản, bà Hồng đã từng nói trước đó, là tài sản lớn, kỳ hạn dài, nên tiềm ẩn rủi ro về chi trả, chênh lệch kỳ hạn. Vốn ngân hàng 80% là vốn ngắn hạn trong khi vốn cho vay bất động sản là dài hạn. Ngân hàng Nhà nước đã có các quy định kiểm soát, như cho vay kinh doanh bất động sản phải có hệ số điều chỉnh rủi ro 200%. Còn các khoản có thế chấp bằng tài sản là bất động sản giao động từ 30-150%. Tùy theo nhận diện rủi ro mà tổ chức tín dụng tự quyết định.
-
16h45
Nợ xấu gia tăng sau dịch Covid-19
Ông Lưu Văn Đức (đại biểu Đắk Lắk) lo lắng khi nợ xấu có xu hướng gia tăng trong bối cảnh dịch Covid-19. "Giải pháp của ngành ngân hàng để kiểm soát, kiềm chế nợ xấu là gì?", ông hỏi.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, theo Nghị quyết 42 thì nợ xấu phải đưa về mức 3% vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, hai năm qua kinh tế chịu tác động của Covid-19 nên nợ xấu ngân hàng gia tăng. Việc này khiến người dân, doanh nghiệp khó tiếp cận khoản vay mới.
Từ tháng 3/2020, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư cho phép doanh nghiệp, người dân cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Về phía tổ chức tín dụng, cơ quan quản lý đưa ra lộ trình yêu cầu họ trích lập dự phòng rủi ro với các khoản nợ được cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ. Việc này nhằm có nguồn lực tài chính để xử lý khi nợ xấu phát sinh. Các tổ chức tín dụng cũng phải đảm bảo cho vay chặt chẽ, không hạ chuẩn khi cho vay, hạn chế tác động nợ xấu phát sinh.
-
16h30
'Cấp hạn mức tín dụng có phải là can thiệp vào hoạt động của ngân hàng?'
Đại biểu Trịnh Xuân An hỏi hiện nhu cầu vay vốn của cá nhân, doanh nghiệp là khá cao, nhưng nhiều ngân hàng hết hạn mức tín dụng. Nhiều nhà băng đề xuất Ngân hàng Nhà nước cho phép nới hạn mức tín dụng. Ông đề nghị Thống đốc cho biết tính hợp lý của việc cấp hạn mức tín dụng hàng năm cho các ngân hàng thương mại. "Cơ chế này có phải là can thiệp vào hoạt động của ngân hàng hay không? Sắp tới, có khả năng nới hạn mức tín dụng ra sao", ông nói.
Đại biểu Trịnh Xuân An. Ảnh: Media Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội nhận xét, "đây là câu hỏi rất hay, lần đầu Quốc hội chất vấn việc phân bổ hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại, từ trước nay chưa có nội dung này". Ông đặt câu hỏi, việc này có mang tính hành chính không và khi nào bỏ được việc phân bổ này. Ông đề nghị Thống đốc nghiên cứu kỹ, trả lời thoả đáng bởi bản thân các ngân hàng cũng rất quan tâm.
Trả lời, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, tín dụng là nội dung trọng tâm trong điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Thực tế, vốn đầu tư dựa chủ yếu vào vốn ngân hàng. Dư nợ tín dụng trên GDP hiện ở mức 24%, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) nằm trong số nước có hệ số ở mức cao nhất thế giới.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn chiều 8/6. Ảnh: Hoàng Phong
"Kinh tế phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng, thì khi có biến động, người dân khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, điều này sẽ lập tức ảnh hưởng tới hệ thống ngân hàng. Ngân hàng mất khả năng chi trả sẽ gây hệ luỵ cho nền kinh tế.
Việc cấp hạn mức tín dụng được áp dụng từ năm 2011 do nhận thấy đây là biện pháp hiệu quả trong tổ chức điều hành, đưa thị trường tiền tệ, tín dụng ổn định trở lại. Trước đây khi chưa cấp hạn mức tín dụng, nhiều tổ chức tín dụng tăng trưởng rất cao, tới 30%, cá biệt có năm tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tăng tới 58%, tạo ra cuộc đua lãi suất huy động tiền cho vay.
"Đây là giải pháp hiệu quả thời gian qua và hiện vẫn áp dụng khi hệ thống ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu, tiếp cận chuẩn mực quốc tế", bà nói.
Thường hằng năm trên cơ sở chỉ tiêu lạm phát, GDP, nhà điều hành đưa ra chỉ tiêu định hướng, để điều hành theo thực tế. Việc phân bổ tín dụng dựa trên nền tảng phân loại tổ chức tín dụng, nơi nào lành mạnh thì được phân bổ tín dụng cao hơn.
Chưa hài lòng với phần trả lời của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, ông Trịnh Xuân An tranh luận. Theo ông, cơ chế cấp hạn mức tín dụng này mang dáng dấp quản lý theo kiểu bao cấp, không còn phù hợp bối cảnh hiện nay.
"Cấp hàng năm thì năm nào cũng phải cấp lại, khi cần thiết thì ngân hàng lại phải đi xin. Trong bối cảnh đang triển khai gói 2% của 40.000 tỷ đồng, ngân hàng muốn cho vay cũng khó, tức là có tiền mà không cho vay được", ông phân tích.
Nếu cơ chế bất cập thì "có nên thực hiện thời gian tới nữa hay không? Không biết trên thế giới còn nước nào cấp quota như Việt Nam hay không", ông An nói.
-
16h20
Đồng tiền Việt 'không biến động quá lớn'
Ông Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đề nghị Thống đốc cập nhật tình hình thực hiện Nghị quyết 43 về chính sách hỗ trợ chính sách tiền tệ trong phục hồi kinh tế.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Nghị quyết 43 đưa ra mục tiêu ổn định vĩ mô, chính sách tiền tệ phải linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá.
Bà cho hay, đang có rất nhiều áp lực. Trên thị trường thế giới, 5 tháng đầu năm biến động mạnh, lạm phát cao, đồng đô la Mỹ tăng giá...
Trong nước cũng có nhiều áp lực, khi tín dụng tăng cao đặt ra bài toán điều hành lãi suất; cung cầu ngoại tệ không thuận lợi bằng năm ngoái nên điều hành tỷ giá đòi hỏi ngân hàng Nhà nước cân nhắc, kết hợp nhiều giải pháp.
"Điều hành động bộ chính sách tiền tệ, đưa tiền ra, hút tiền về hợp lý. Cơ bản thị trường ngoại tệ, ngoại hối ổn định. Vừa rồi mặt bằng lãi suất chỉ tăng 0,09% thấp hơn các nước thế giới. "Ngân hàng Nhà nước cố gắng điều hành để tránh những biến động lớn về lãi suất", bà nói.
Theo bà, hiện tỷ giá nhiều đồng tiền các nước mất giá 4-6%, còn với đồng Việt Nam "không biến động quá lớn". Tỷ giá liên ngân hàng đang được Ngân hàng Nhà nước điều hành, kiểm soát ở mức 1,7-1,8%.
6 tháng cuối năm, bà Hồng cho biết, cơ quan điều hành tiền tệ không chủ quan với diễn biến lạm phát, mà sẽ theo dõi sát và phối hợp với chính sách tài khoá để giữ ổn định vĩ mô.
-
16h10
Thống đốc làm rõ khái niệm tiền ảo, tiền điện tử, tiền kỹ thuật số
Đại biểu Nguyễn Thành Công hỏi quan điểm của về nghiên cứu tiền kỹ thuật số quốc gia và đề nghị Thống đốc làm rõ tiền ảo, tiền kỹ thuật số và nêu khuyến nghị.
Trả lời, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói thời gian qua, dư luận rất quan tâm đến tiền điện tử, tiền ảo, tài sản ảo. Vì vậy, những khái niệm này cần làm rõ.
Tiền điện tử là thể hiện của đồng tiền pháp định của Ngân hàng trung ương phát hành dưới dạng tiền giấy, xu nhưng người cầm tiền lưu giữ dưới dạng điện tử trong điện thoại, máy tính bảng... Tiền điện tử đòi hỏi pháp định 1-1 với tiền pháp định và được thanh toán bằng tiền này. Ngân hàng Nhà nước đã có quy định ví điện tử là tiền điện tử. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đang sửa đổi Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt, làm rõ khái niệm này.
Tiền thuật toán, hay còn được gọi là tiền ảo, tài sản ảo như bitcoin, không phải là đồng tiền pháp định do ngân hàng Trung ương các nước phát hành mà do các tổ chức, cá nhân tạo ra bằng các thuật toán trên mạng máy tính, như bitcoin. Đồng tiền này chỉ được thừa nhận trong cộng đồng nhất định như cộng đồng game, sàn công nghệ... Mỗi nước có cách quản lý khác nhau với tiền ảo. Có nước coi tiền ảo như một tài sản như chứng khoán để thu thuế, cấp phép giao dịch.
Với Việt Nam, Chính phủ giao các bộ ngành nghiên cứu, xây dựng hành lang pháp lý cho tiền ảo. Ngân hàng nhà nước đang phối hợp các cơ quan chức năng xây dựng.
Tiền kỹ thuật số là đồng tiền pháp định do ngân hàng trung ương phát hành nhưng dưới dạng điện tử. Các nước đang trong quá trnfh nghiên cứu, nhiều nước thử nghiệm. Với Việt Nam, Chính phủ đang giao Ngân hàng Nhà nước lập ban nghiên cứu tiền kỹ thuật số, do Thống đốc làm trưởng ban.
-
15h33
Quốc hội nghỉ giải lao 20'
-
15h30
Siết tín dụng bất động sản khiến người nghèo khó mua nhà giá rẻ
Đại biểu Lê Thanh Vân nêu câu hỏi, thị trường bất động sản có vai trò quan trọng với nền kinh tế. Siết chặt tín dụng với bất động sản có thể khiến thị trường đình trệ, khiến người nghèo, nhất là người nghèo ở đô thị, khó mua nhà giá rẻ hơn như mong muốn.
Đại biểu Lê Thanh Vân. Ảnh: Media Quốc hội
Trong khi đó, mục đích của nhà nước là chống đầu cơ, chống bong bóng bất động sản. Thực tế có nhiều doanh nghiệp bất động sản làm ăn nghiêm túc, đúng pháp luật. Thống đốc có giải pháp gì về chính sách tiền tệ đảm bảo thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.
Trả lời, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói thị trường bất động sản gồm nhiều chủ thể, thu hút được nhiều nguồn đầu tư khác nhau. Tín dụng là một kênh tham gia đầu tư bất động sản. Nhiều năm trở lại đây, Ngân hàng nhà nước có chủ trương là mở rộng tín dụng phải đi đôi với an toàn hiệu quả; tập trung vốn vào sản xuất kinh doanh và hạn chế vốn vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn, chiều 8/6. Ảnh: Hoàng Phong
Lĩnh vực bất động sản có rủi ro mất vốn. Để ngăn rủi ro tín dụng, các ngân hàng chỉ cho vay khi khách hàng đủ điều kiện, đảm bảo khả năng trả nợ. Bản chất bất động sản là tài sản lớn, kỳ hạn dài trong khi tiền gửi của hệ thống ngân hàng là ngắn hạn. Nếu tổ chức tín dụng cho vay không kiểm soát được thì có thời điểm khách hàng đến rút tiền mà không đòi lại được khoản nợ dài hạn.
"Còn cho vay với lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản là do tổ chức tín dụng tự thỏa thuận với khách hàng và quyết định, trên cơ sở đảm bảo an toàn hoạt động của chính họ", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.
-
15h30
Cần tránh 'giật cục' trong điều hành tài chính, tiền tệ
Chủ tọa phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói, các nhà điều hành khẳng định không siết thị trường trái phiếu, chứng khoán, bất động sản. Nhưng 5 tháng đầu năm nay, thị trường này chững lại, nhà đầu tư muốn huy động vốn thì rất khó khăn.
"Chúng ta thanh tra, kiểm tra và giám sát từ sớm từ xa, chứ để "mất bò mới lo làm chuồng" thì rất dở. Nhưng nếu để xảy ra trường hợp mất bò rồi mà không dám làm lại chuồng, thì còn dở hơn", ông nói.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, các thị trường là thông suốt, do đó một mặt cơ quan quản lý phải giám sát, quản lý chặt nhưng mặt khác cũng phải tạo thị trường cho phát triển. "Chúng ta chấn chỉnh méo mó của thị trường chứ không phải hạn chế nó phát triển. Vì thế, chính sách tài chính, kinh tế phải nhất quán, thông suốt, tránh giật cục", ông nói thêm.
Ở khía cạnh này, ông đề nghị Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khi trả lời cần làm rõ và Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị giải trình thêm.
-
15h25
Công ty tài chính không được đe dọa khi đòi nợ
Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) nêu tình trạng nhiều người dân không vay nợ nhưng bị gọi điện quấy rối, xúc phạm, bôi nhọ, đe dọa do có tên, số điện thoại trong danh bạ của người vay tiền qua các ứng dụng vay online mà không trả nợ đúng hạn. "Thống đốc sẽ triển khai biện pháp nào để từng bước hạn chế các hành vi nêu trên?", ông chất vấn.
Đại biểu Phạm Văn Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: Media Quốc hội
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay, từ phản ánh của dư luận, báo chí về việc đòi nợ của các công ty tài chính, Ngân hàng Nhà nước đã rà soát và thấy rằng cần phải sửa đổi căn bản quy định của pháp luật. Hiện nay, Thông tư của Ngân hàng Nhà nước quy định về cho vay của các công ty tài chính đã có chỉnh sửa theo hướng các công ty không được đòi nợ bằng các biện pháp đe dọa và cũng quy định rõ thời gian đòi nợ từ 9h đến 21h...