Bộ Quốc phòng Nhật Bản hôm nay cho biết Triều Tiên có thể đã phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) ra vùng biển phía đông, rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế nước này.
Đây là vụ phóng tên lửa thứ hai của Triều Tiên trong hai ngày liên tiếp, sau gần một tuần yên ắng. Trước đó, Triều Tiên phóng hơn 80 tên lửa các loại từ ngày 2/11 đến 5/11, riêng ngày 3/11 ghi nhận tần suất cao chưa từng có với 23 quả đạn.
Các vụ thử tên lửa liên tiếp của Triều Tiên đã khiến tình hình trên bán đảo và căng thẳng Mỹ - Triều leo thang nghiêm trọng. Theo giới chuyên gia, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang theo đuổi một số mục tiêu chiến lược khi phát đi "thông điệp tên lửa" với tần suất dày đặc như vậy.
"Đầu tiên, ông ấy muốn phô diễn sức mạnh quân sự của Triều Tiên với người dân trong nước, cũng như cho các lãnh đạo Mỹ, Hàn, Nhật thấy rằng Bình Nhưỡng sở hữu lượng lớn tên lửa có thể chạm tới lãnh thổ của họ", Carl Schuster, cựu giám đốc điều hành tại Trung tâm Tình báo Liên quân thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ và hiện là giảng viên Đại học Hawaii Pacific, Mỹ, nói với VnExpress.
Chuyên gia Schuster thêm rằng mục tiêu thứ hai mà ông Kim hướng đến là "tìm cách gây áp lực" bằng những vụ thử tên lửa liên tiếp, buộc ba nước Mỹ, Nhật, Hàn phải ngồi vào đàm phán theo điều khoản mà lãnh đạo Triều Tiên muốn, như gỡ bỏ lệnh trừng phạt và ngừng các cuộc tập trận quân sự chung.
Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Triều Tiên gần đây ra tuyên bố nước này sẽ tiếp tục "phản ứng tương xứng" với tất cả những cuộc tập trận chống lại đất nước này, theo hãng thông tấn KCNA. Ngoại trưởng Triều Tiên Choe Son-hui ngày 16/11 cảnh báo Bình Nhưỡng sẽ "phản ứng quân sự quyết liệt hơn" đối với nỗ lực tăng cường hiện diện của Mỹ trong khu vực.
Ngoài ra, các vụ thử liên tục còn giúp lãnh đạo Triều Tiên kiểm nghiệm năng lực của các loại tên lửa trong biên chế quân đội, cũng như huấn luyện lực lượng sát với tình hình thực tế, theo Schuster.
Giảng viên Đại học Hawaii Pacific nhận định Triều Tiên có thêm động lực để tiến hành các động thái leo thang sau khi Nga và Trung Quốc chặn nỗ lực của Mỹ nhằm tăng áp lực trừng phạt Bình Nhưỡng tại Liên Hợp Quốc
"Tôi cho rằng thử hạt nhân sẽ là bước tiếp theo của Triều Tiên. Đây cũng là một phần chiến lược của ông Kim Jong-un nhằm kéo Mỹ, Nhật và Hàn Quốc tham gia đàm phán theo điều khoản của ông ấy", ông Schuster nhận định.
Leif-Eric Easley, phó giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Ewha ở Seoul, Hàn Quốc, cũng bày tỏ lo ngại về nguy cơ Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ bảy, sau thời gian dài yên ắng.
"Họ đã tăng tần suất, số lượng và sự đa dạng của các vụ thử tên lửa. Tên lửa Triều Tiên cũng được phóng theo các quỹ đạo phức tạp hơn để tránh né hệ thống đánh chặn của đối phương", phó giáo sư Easley chia sẻ. "Các hoạt động quân sự hiện nay của họ khó chạm đỉnh đến khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ bảy".
Triều Tiên đã thử hạt nhân 6 lần, lần đầu năm 2006 và gần nhất là tháng 9/2017. Năm 2018, Triều Tiên phá hủy bãi thử Punggye-ri để thể hiện thiện chí sẵn sàng phi hạt nhân hóa trong quá trình đàm phán với Mỹ. Tuy nhiên, khi đàm phán đình trệ, loạt động thái căng thẳng gần đây khiến giới quan sát lo ngại Bình Nhưỡng có thể nối lại hoạt động này.
Quân đội Mỹ tháng 7/2020 cho biết Triều Tiên sở hữu khoảng 20-60 quả bom hạt nhân và có thể sản xuất thêm 6 quả bom mỗi năm. Vào tháng 5/2021, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley nói Bình Nhưỡng sở hữu năng lực hạt nhân "đủ sức gây ra mối đe dọa thực sự cho lục địa Mỹ cũng như đồng minh và đối tác của chúng tôi trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng thông điệp tên lửa của Triều Tiên có thể "phản tác dụng", khi Mỹ và đồng minh không thể hiện bất cứ dấu hiệu nhượng bộ nào, ngay cả khi họ cảnh giác với nguy cơ Bình Nhưỡng thử hạt nhân.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đầu tháng này tuyên bố Mỹ duy trì "cam kết sắt đá trong bảo vệ Hàn Quốc và các đồng minh khác". Ông nói quân đội Mỹ đang tăng cường năng lực sẵn sàng đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng.
"Tôi nghĩ các cuộc tập trận liên tiếp với quy mô ngày càng lớn, cũng như tăng cường lực lượng phòng thủ tên lửa của liên minh Mỹ - Nhật - Hàn, sẽ cho ông Kim thấy hành động của ông ấy lợi bất cập hại", chuyên gia Carl Schuster nói.
Hàng trăm máy bay chiến đấu Mỹ - Hàn đã tham gia cuộc tập trận chung Vigilant Storm kéo dài từ 31/10 tới 4/11, trong đó có cả oanh tạc cơ hạng nặng B-1B. Đây lần đầu tiên oanh tạc cơ chiến lược B-1B được triển khai tới bán đảo Triều Tiên kể từ tháng 12/2017.
Không chỉ tham gia tập trận chung với Mỹ, Hàn Quốc có thể bắt đầu thảo luận nghiêm túc về chương trình hạt nhân riêng dưới sức ép tên lửa ngày càng tăng của Triều Tiên, theo ông Schuster.
Những vụ phóng tên lửa liên tục của Bình Nhưỡng cũng có thể là động lực để Tokyo đẩy nhanh quá trình tăng cường năng lực quốc phòng, biên chế các loại vũ khí có khả năng tấn công, cũng như phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại.
Phó giáo sư Easley tin rằng Mỹ - Nhật - Hàn sẽ không nhượng bộ trước Triều Tiên, bởi điều này có thể tạo thêm động lực cho Bình Nhưỡng trong phát triển năng lực tên lửa, hạt nhân.
"Bình Nhưỡng tăng cường sức mạnh quân sự và các vụ thử tên lửa là vấn đề đáng lo ngại, nhưng việc liên minh chấp nhận ngừng tập trận hoặc thừa nhận Triều Tiên là quốc gia hạt nhân sẽ khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn", ông cho hay.
Ông cho rằng Hàn Quốc và các đồng minh nên tìm cách hợp tác đa phương để siết trừng phạt Triều Tiên, cũng như tăng sức ép đối với Trung Quốc, đồng minh thân cận của Triều Tiên, để họ tác động đến quá trình ra quyết định của Bình Nhưỡng.
Đối với Mỹ, tăng thuế các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có thể là cách để thuyết phục Bắc Kinh gây sức ép với Bình Nhưỡng, theo Schuster.
"Các biện pháp trên đều tiềm ẩn những rủi ro nhất định, nhưng phương Tây hiện nay có rất ít đòn bẩy với Triều Tiên, trong đó biện pháp quân sự gần như bị loại trừ hoàn toàn. Lựa chọn của Mỹ và đồng minh khá hạn chế, nên họ phải khai thác mọi khả năng có thể", chuyên gia Schuster chia sẻ.
Thanh Tâm