Thứ sáu, 20/12/2024
Thứ bảy, 18/3/2017, 10:00 (GMT+7)

Sản phẩm chế biến từ gấc vươn ra thị trường Mỹ

Với thành công từ viên nang dầu gấc, quả gấc không chỉ đóng góp lợi ích lớn vào thị trường thực phẩm, dược liệu trong nước mà còn từng bước vươn ra thế giới.

Cuối thế kỷ XX, các luận án tiến sĩ bảo vệ thành công cùng nhiều nghiên cứu của Viện Quân y 108 và Viện Dược liệu đều chỉ ra giá trị dinh dưỡng lớn của quả gấc, trong đó, nổi bật là hai chất beta-carotene và lycopene. Theo bác sĩ, doanh nhân Nguyễn Công Suất - Giám đốc Công ty chế biến dầu thực vật và thực phẩm Việt Nam (VNPOFOOD), quả gấc có chứa lycopene giống như cà chua nhưng hàm lượng cao hơn tới 75 lần.

polyad

Phần cùi đỏ bọc bên ngoài hạt là nguyên liệu chính để sản xuất dầu gấc. Ảnh: Bizmedia.

Năm 1992, sau hơn 10 năm nghiên cứu, ông Suất tìm ra công thức tinh chế dầu gấc từ quả gấc tươi. Lúc đó, ông đang làm việc tại Viện Quân y 108. Tuy nhiên, khi ông mời các doanh nghiệp thử nghiệm triển khai thực hiện chế biến dầu gấc thì đều bị từ chối. Họ cho rằng đây là sản phẩm hoàn toàn mới với thị trường, trong khi đó, gấc chỉ thu hoạch tập trung vào thời gian cuối năm, công nghệ bảo quản lại chưa phát triển.

Không từ bỏ ý định, năm 2002, ông bắt tay tự sản xuất viên nang dầu gấc mang tên Vinaga (viết tắt của Việt Nam Gấc). Bác sĩ Viện Quân y cho biết, sức mạnh của gấc chủ yếu nằm ở phần cùi màu đỏ bọc bên ngoài hạt. Đây cũng là nguyên liệu chính để sản xuất dầu gấc. Do đó, những quả gấc nguyên liệu được thu hái phải đạt tiêu chuẩn chín già, phần vỏ hơi ngả sang màu vàng cam, khi bổ sẽ thấy bên trong ruột quả đỏ au, cùi dày.

polyad

Sản phẩm viên nang dầu gấc. Ảnh: Bizmedia.

Tại điểm sơ chế, gấc được bổ đôi, tách lấy màng đỏ (cùi) khỏi hạt rồi đưa vào lò sấy ở mức 50-60 độ C. Khi độ ẩm còn khoảng 7%, phần cùi này được mang đi ép dầu. Dầu gấc sau đó được lọc lại, loại bỏ cặn và tiệt trùng ở 80 độ C rồi đem bảo quản trong các thùng inox với nhiệt độ 15 độ C.

Tiếp theo, phần dầu gấc này tiếp tục được mang đi đóng viên nang và sấy ở điều kiện 15 độ C, độ ẩm 30%. Sau 48 giờ sấy, viên nang dầu gấc thành phẩm được đưa đi đóng chai và hoàn thiện cùng với vỏ hộp, tem nhãn. Các sản phẩm viên nang hoặc dầu gấc cuối cùng đạt tiêu chuẩn được lưu kho ở nhiệt độ dưới 20 độ C và độ ẩm dưới 30%.

polyad

Dây chuyền sản xuất viên nang dầu gấc hiện đại của Vinaga. Ảnh: Bizmedia.

Sản phẩm dầu gấc đầu tiên của doanh nghiệp được xuất sang thị trường Mỹ. Những khách hàng đầu tiên cũng chính là các nhà khoa học đã cùng bác sĩ Suất nghiên cứu về công dụng của quả gấc trong điều trị xơ gan, ung thư gan và giải quyết hậu quả của chất độc da cam tại Viện Quân y 108. Đến nay, sản phẩm dầu gấc của doanh nghiệp vẫn được xuất chủ yếu sang thị trường Mỹ và tiêu thụ trong nước.

Bằng nghiên cứu khoa học và sự tâm huyết với sản vật quê hương, người con đất Việt như bác sĩ Nguyễn Công Suất đã tìm cách biến loại nông sản dân dã, dễ trồng như cây gấc trở thành dược phẩm có nhiều giá trị to lớn trong y học.

Xem thêm về quy trình trồng gấc đạt tiêu chuẩn:

Sản phẩm chế biến từ quả gấc vươn ra thị trường Mỹ
 
 

Thu Giang

Chia sẻ bài viết qua email