Thứ sáu, 20/12/2024
Thứ sáu, 27/9/2019, 14:00 (GMT+7)

Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm

Tại Hà Nội, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung được phát triển để đảm bảo an toàn thực phẩm dịp cuối năm 2019.

Theo đó, Chi cục Chăn Nuôi và Thú Y Hà Nội sẽ giảm các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ đồng thời nâng tỷ lệ các cơ sở giết mổ tập trung. Cụ thể, Chi cục Chi cục Chăn Nuôi và Thú Y Hà Nội tư vấn cho lãnh đạo UBND Thành phố phê duyệt "Mạng lưới giết mổ trên địa bàn thành phố". Đây là cơ sở để nâng cao tỷ lệ số cơ sở giết mổ tập trung có kiểm soát cũng như giảm số lượng cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không kiểm soát.

Cơ sở giết mổ lợn tập trung.

Cơ sở giết mổ lợn tập trung.

Bên cạnh đó, tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực giết mổ, đặc biệt ở các huyện chăn nuôi lớn như Ba Vì, Chương Mỹ, Phú Xuyên hay Sóc Sơn... Tạo điều kiện để doanh nghiệp, trang trại, trang trại hộ gia đình xây dựng chuỗi liên kết kép kín từ chăn nuôi, giết mổ, chế biển sản phẩm để chăn nuôi đạt hiệu quả cao, bền vững cũng như để chính quyền địa phương dễ dàng hơn trong công tác kiểm soát hoạt động giết mổ. 

Ngoài ra, Lãnh đạo UBND thành phố cũng có thêm các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các chủ hộ, trang trại và gia trại đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ và chuỗi liên kết chăn nuôi. Tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm về giết mổ nhỏ lẻ, giết mổ trong khu dân cư không có kiểm soát.  Việc kiểm dịch đầu vào đảm bảo gia súc, gia cầm rõ nguồn gốc đưa vào cơ sở giết mổ cũng được đẩy mạnh.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn Nuôi và Thú Y Hà Nội, cho biết: "Việc đưa ra hiện trạng và những giải pháp kiểm soát giết mổ tại Hà Nội trong dịp cuối năm 2019 sẽ góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm cũng như sức khỏe người tiêu dùng".

Cơ sở giết mổ gia cầm tập trung theo quy định.

Cơ sở giết mổ gia cầm tập trung theo quy định.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Hà Nội, hiện tại, trên toàn thành phố có 385 cơ sở sơ chế sản phẩm động vật, trong đó, có 253 cơ sở được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm và 88 cơ sở được cấp mã số kiểm tra vệ sinh thú y.

Trong 220 cơ sở giết mổ lợn, chỉ có 47 cơ sở (chiếm 22%) được kiểm soát, số lượng lớn các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không được kiểm soát tốt. Tại 61 cơ sở giết mổ trâu bò có 11 cơ sở được cấp mã số kiểm soát giết mổ (18%) với khoảng 150 con trâu bò/ngày, nhiều cơ sở giết mổ từ 1 – 2 con/ ngày hiện vẫn chưa được kiểm soát.

Riêng với giết mổ gia cầm, còn tồn tại nhiều trường hợp giết mổ ngay tại chợ. Vì vậy chỉ có 39/456 cơ sở giết mổ gia cầm được kiểm soát. Hoạt động giết mổ rất khó kiểm soát do thói quen của người tiêu dùng thích dùng đồ tươi sống, đặc biệt trong cáp dịp lễ tết. Đây là một thói quen sinh hoạt không tốt cần tuyên truyền mạnh hơn để người dân có thể thay đổi.

Vân Anh

Chia sẻ bài viết qua email