Thứ năm, 19/12/2024
Thứ tư, 25/9/2019, 19:00 (GMT+7)

Cách giúp phòng ngừa cúm gia cầm

Hộ chăn nuôi cần kiểm soát dịch bệnh, chọn giống tốt, chăm sóc gia cầm và vệ sinh chuồng trại để phòng ngừa cúm gia cầm.

Thời điểm giao mùa là điều kiện thuận lợi để bệnh cúm gia cầm tái phát và phát triển, do vậy, các hộ chăn nuôi cần chủ động phòng ngừa để đảm bảo an toàn cho các vật nuôi bằng các giải pháp sau.

Kiểm soát dịch bệnh

Giám sát bệnh dịch tại các cơ sở chăn nuôi trên cả nước. Phân vùng là cách để dễ dàng xây dựng các biện pháp và bố trí các nguồn lực tổ chức các hoạt động kiểm soát, phòng chống bệnh cúm gia cầm phù hợp, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm dịch bệnh và tình hình thực tế tại các địa phương.

Chủ động phòng ngừa là giải pháp tốt nhất để đảm bảo an toàn cho các hộ chăn nuôi.

Chủ động phòng ngừa là giải pháp tốt nhất để đảm bảo an toàn cho các hộ chăn nuôi.

Chọn giống tốt

Chọn và mua giống tại các cơ sở uy tín và có nguồn gốc xuất sứ rõ ràng. Giống khỏe mạnh, nhanh nhẹn và bảo đảm không có bệnh dịch.

Chăm sóc gia cầm cẩn thận

Trong quá trình nuôi phải chăm sóc tốt và đảm bảo nguồn dinh dưỡng đầy đủ để vật nuôi có sức khỏe và sức đề kháng tốt, đủ chống lại các loại dich bệnh. Nước uống và thức ăn đều phải thay thường xuyên. 

Vệ sinh khu vực chăn nuôi

Chuồng nuôi cần được vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng, khô và có ánh nắng mặt trời. Ngoài ra cũng phải thường xuyên dọn chuồng và xử lý chất thải đúng cách. Sau mỗi đợt nuôi phải thu dọn phân, cọ rửa sạch các dụng cụ chăn nuôi. Rắc vôi bột hoặc quét nước vôi mới tôi xung quanh, bên trong chuồng nuôi, nền chuồng và sân chơi. Để trống chuồng từ 10 đến 15 ngày. 

Tiêu hủy gia cầm khi phát hiện dịch bệnh

Khi có dịch bệnh xuất hiện cần lập tức thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền để xử lý và tiêu hủy, tránh lây lan rộng hơn trên địa bàn.

Ngoài ra, các địa phương cần chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học; chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh, dịch. Tăng cường phổ biến về mức độ nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm để mọi người dân tham gia. Nâng cao ý thức và chủ động đấu tranh, phát hiện và báo cáo cơ quan chức năng ngăn chặn kịp thời.

Đối với hộ chăn nuôi quy mô lớn nên chủ động tiêm vắc xin phòng cúm cho gia cầm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, trong các tháng cuối năm 2019, nguy cơ dịch bệnh gia tăng  rất cao vì thời tiết thay đổi tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển, lây lan. Tổng đàn gia cầm, lưu lượng vận chuyển gia cầm gia tăng mạnh, nhất là các tháng giáp Tết Nguyên đán. 

Để phòng ngừa, ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Dịch tễ Thú y, Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: "Các cơ quan trung ương, địa phương cũng như người nuôi gia cầm phải tập trung triển khai việc giám sát dịch bệnh. Phải thực hiện lấy mẫu trên diện rộng, phạm vi toàn quốc, đặc biệt là tại các huyện nguy cơ cao, hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên theo dõi, chủ động phát hiện. Nếu gia cầm có biểu hiện thì tổ chức lấy mẫu xét nghiệm và xử lý theo đúng quy định". 

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khuyến cáo: Để đảm bảo an toàn, các hộ chăn nuôi cần tiến hành tiêu độc, khử trùng chuồng trại thường xuyên. Các hộ dân đang sinh sống trong vùng có dịch không được tái đàn vào các thời điểm dịch bệnh. Đặc biệt, gia cầm xuất ra khỏi các khu vực đang có dịch phải có sự cho phép của cơ quan Thú y, sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính.

Thiên Kim

Chia sẻ bài viết qua email