Australia thay đổi điều kiện nhập khẩu nhãn tươi Việt Nam
Nhãn Việt Nam phải có nguồn gốc rõ ràng, xuất khẩu đúng quy trình và có chứng nhận kiểm dịch thực vật.
Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Australia vào giữa tháng 8/2019 , Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Australia, các điều kiện Australia đưa ra là trước khi nhập khẩu quả nhãn tươi là: doanh nghiệp nhập khẩu cần đăng kí giấy phép hợp lệ do Bộ Nông nghiệp Australia cấp phép; Phải chứng minh nguồn gốc, sản xuất và xuất khẩu theo hệ thống quy trình vận hành cần thiết để duy trì và xác minh tình trạng kiểm dịch thực vật; Quả nhãn cũng phải trải qua các biện pháp quản lý rủi ro bắt buộc.
![]() |
Nhãn là loại quả thứ tư chính thức được xuất khẩu sang thị trường Úc sau vải, xoài và thanh long. Ảnh: Lê Chi. |
Ngoài ra, khi vận chuyển bằng đường biển, số container và số niêm phong phải được xác nhận và ghi trên giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật hoặc trên chứng từ thương mại. Nếu được xác nhận trên vận đơn thì số chứng nhận kiểm dịch thực vật cũng phải được ghi rõ. Trước khi xếp hàng phải đảm bảo không có côn trùng và các lỗ thông hơi phải được phủ kín không cho côn trùng xâm nhập.
Bộ Nông nghiệp Australia cũng lưu ý về liều lượng chiếu xạ tối thiểu và tối đa thực tế trong việc xử lý quả nhãn. Cụ thể, liều lượng hấp thụ tối đa cho quả nhãn không được vượt quá 1KGy theo quy định của Bộ luật tiêu chuẩn thực phẩm Australia và New Zealand (FSC).
Bên cạnh đó, quốc gia này cũng lưu ý quả nhãn xuất khẩu không được lẫn các chất ô nhiễm, ví dụ, các mảnh từ thân và lá, đất, hạt hoặc các vật liệu ngoại lai khác. Hàng hóa xuất khẩu phải đáp ứng được ít nhất một trong các phương pháp đóng gói an toàn. Bao bì phải được làm từ vật liệu tổng hợp hoặc vật liệu chế biến cao nếu có nguồn gốc thực vật, hoặc bao bì không được làm bằng nguyên liệu thực vật chưa qua chế biến như rơm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nhãn là loại quả thứ tư chính thức được xuất khẩu sang thị trường Australia sau vải, xoài và thanh long. Ngoài ra, nhãn được xuất khẩu đến hàng chục quốc gia trên thế giới, nhiều nhất là thị trường Trung Quốc và thị trường khó tính nhất là Mỹ. Sau Australia, Cục Bảo vệ thực vật đang tích cực xúc tiến để xuất khẩu nhãn vào thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc.
Thúy Hằng