Bác sĩ Bùi Thanh Phong, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết dịp nghỉ lễ Tết nguyên đán là khoảng thời gian gia đình đoàn viên, đồng thời thay đổi nhiều thói quen sinh hoạt. Việc này làm thay đổi hệ miễn dịch và hệ tiêu hóa, tăng nguy cơ mắc bệnh. Bác sĩ chỉ ra các thói quen không lành mạnh, cần hạn chế để bảo vệ sức khỏe tiêu hóa dịp Tết.
Hâm nóng thức ăn nhiều lần
Ngày Tết, gia đình thường chế biến sẵn thức ăn và hâm lại dùng dần để bảo quản dài hạn hơn hoặc dự trữ để sử dụng sau hoạt động vui chơi Tết. Tuy nhiên, việc hâm nóng thức ăn nhiều lần ảnh hưởng tới hương vị, mức độ hấp dẫn của món ăn và mất các chất dinh dưỡng.
Ví dụ canh rau, bún miến... bị phân hủy nhiều chất dinh dưỡng và hầu hết các vitamin có trong món ăn khi đun lại nhiều lần. Một số thực phẩm gây ngộ độc khi hâm nóng nhiều lần như rau bina, cần tây, cà rốt, củ cải... Khoai tây hay cơm nguội đã để lâu cũng không được khuyến cáo hâm lại do tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi và gây ngộ độc.
Không sơ chế rau củ đúng cách
Rau củ là nguồn thực phẩm cung cấp nhiều dinh dưỡng, khoáng chất và vitamin cho cơ thể. Khi không rửa, sơ chế, nấu chín, rau củ có thể chứa nhiều virus, vi khuẩn lây bệnh truyền nhiễm qua đường tiêu hóa. Cụ thể vi khuẩn E.coli, tả, thương hàn, virus viêm gan A, rotavirus... có thể tồn tại trong môi trường, bám trên các thực phẩm tươi sống, đi vào cơ thể khi ăn uống và gây bệnh ở hệ tiêu hóa.
Trong đó, rotavirus là tác nhân gây tiêu chảy phổ biến ở trẻ dưới 5 tuổi, khiến trẻ nôn ói, tiêu chảy lên đến 20 lần/ngày. Thương hàn có thể dẫn đến viêm màng não, xuất huyết tiêu hóa, thủng ruột. Tả có thể dẫn đến biến chứng mất nước, trụy tim mạch, suy thận. Viêm gan A ngoài gây tiêu chảy có thể dẫn đến viêm gan tối cấp, suy gan cấp.
Sử dụng đồ uống có cồn
Rượu bia có ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa. Các đồ uống có cồn ức chế cơ thể tiết ra enzym tiêu hóa dẫn đến khó tiêu đồng thời kích thích tăng tiết acid dịch vị gây tổn thương niêm mạc dạ dày. Người uống nhiều rượu bia có thể bị hội chứng ruột kích thích với biểu hiện đau bụng, táo bón hoặc tiêu chảy; viêm dạ dày cấp với biểu hiện đột ngột gây đau đớn dữ dội, dai dẳng.
Không nghỉ ngơi hợp lý
Các hoạt động ngày Tết có thể dẫn đến tình trạng thiếu ngủ, thời gian nghỉ ngơi không hợp lý. Việc đảo lộn thói quen sinh hoạt có thể dẫn đến tình trạng căng thẳng cho cơ thể, gây áp lực cho hệ tiêu hóa.
Lúc này, cơ thể thường có các biểu hiện như chán ăn, đầy hơi, ợ nóng, trào ngược dạ dày, loét dạ dày... Trong một số trường hợp, căng thẳng còn có thể gây ra chuột rút ở bụng, mất cân bằng vi khuẩn đường ruột.
Ít vận động
Hoạt động thể chất có sự liên hệ mật thiết đến sức khỏe tiêu hóa. Khi tập thể dục đều đặn, hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn, tránh táo bón. Không hoạt động thể chất, nhất là dịp lễ Tết kéo dài có thể làm chậm quá trình tiêu hóa, dẫn đến khó chịu, đầy hơi... ảnh hưởng đến lịch trình du xuân những ngày Tết.
Chưa có thói quen phòng bệnh bằng vaccine
Vaccine là một trong những biện pháp hiệu quả giúp phòng bệnh vào mọi thời điểm trong năm. Do đó, với các tác nhân đã có vaccine phòng ngừa, bác sĩ Phong khuyến cáo người dân tiêm chủng đủ mũi vaccine, rà soát sổ tiêm và bổ sung các mũi còn thiếu.
BS Phong lưu ý một số vaccine phòng bệnh đường tiêu hóa, người dân cần chủng ngừa như rotavirus, viêm gan A, tả, thương hàn. Trong đó, vaccine ngừa tiêu chảy do rotavirus dùng cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến 8 tháng tuổi. Qua giới hạn tuổi, trẻ không còn cơ hội phòng bệnh bằng vaccine. Các vaccine ngừa viêm gan A đơn và vaccine phối hợp ngừa viêm gan A, B tiêm cho trẻ từ 12 tháng và người lớn. Vaccine tả, thương hàn uống hoặc tiêm cho trẻ từ 2 tuổi và người lớn.
Nhật Linh
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine tại đây để bác sĩ trả lời.