"Chúng tôi sẽ nói 'không đồng ý' cho các quốc gia áp dụng biện pháp trừng phạt nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập tổ chức an ninh NATO", Tổng thống Recep Tayyip Erdogan ngày 16/5 cho biết.
Thụy Điển đình chỉ mọi hoạt động xuất khẩu vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2019, sau khi nước này triển khai chiến dịch quân sự tại Syria.
Đề cập tới ý định của Phần Lan và Thụy Điển cử phái đoàn tới Ankara để trao đổi, Tổng thống Erdogan cho biết "họ nói sẽ tới Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 16/5. Liệu họ có thể thuyết phục được chúng tôi không? Xin lỗi, họ không nên làm phiền chúng tôi".
Thụy Điển và Phần Lan thông báo sẽ nộp đơn xin gia nhập NATO sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự nhằm "phi quân sự và phi phát xít hóa Ukraine".
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ kỳ đe dọa ngăn NATO kết nạp hai nước Bắc Âu, đồng thời cáo buộc họ chứa chấp các nhóm bị Ankara coi là khủng bố. Trong số này, có các tay súng người Kurd bị Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đưa vào danh sách đen.
"Cả hai nước đều không có lập trường rõ ràng trong chống lại các tổ chức khủng bố", Tổng thống Erdogan nói. Nguồn tin tại Bộ Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ cho biết Thụy Điển và Phần Lan không phản ứng tích cực với 33 yêu cầu dẫn độ trong 5 năm qua.
Thổ Nhĩ Kỳ đang truy nã những người bị cáo buộc có liên hệ với các tay súng người Kurd hoặc thành viên phong trào âm mưu lật đổ Tổng thống Erdogan năm 2016. Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần chỉ trích Thụy Điển "bày tỏ khoan hồng" với đảng Công nhân người Kurd, tổ chức bị Ankara coi là khủng bố.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhiều lần khẳng định liên minh sẽ "dang rộng tay chào đón" Thụy Điển và Phần Lan. Tuy nhiên, các tuyên bố của Tổng thống Erdogan là phản ứng bất đồng đầu tiên trong NATO trước triển vọng Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh quân sự.
Khi một quốc gia nộp đơn xin gia nhập NATO, họ cần được 30 thành viên hiện tại chấp thuận gia hạn lời mời, sau đó tổ chức các cuộc đàm phán thành viên. Quyết định kết nạp thành viên mới cần được toàn bộ thành viên phê chuẩn.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 15/5 bày tỏ tin tưởng Thụy Điển và Phần Lan sẽ gia nhập NATO bất chấp Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ quan ngại. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu dự kiến gặp ông Blinken tại thủ đô Washington, Mỹ ngày 18/5 và dự kiến sẽ nêu các ý kiến phản đối của Anakra trong hội đàm.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)