"Với tiêm kích F-16, chúng tôi muốn mua nhưng các bạn chưa bàn giao. Các bạn cam kết giao nhưng lại thất hứa. Chúng tôi đã chi khoảng 1,4 tỷ USD. Nếu các bạn không giao, sẽ có hậu quả", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan nói tại cuộc gặp cử tri trẻ tuổi ngày 29/1, nhắc đến Mỹ.
Thổ Nhĩ Kỳ đặt hàng hơn 100 tiêm kích F-35A do Lockheed Martin của Mỹ chế tạo, nhưng bị loại khỏi chương trình năm 2019 sau khi mua tổ hợp phòng không S-400 do Nga sản xuất. Tổng thống Erdogan tháng 10/2021 cho biết Washington đề xuất bán F-16 để bù khoản tiền 1,4 tỷ USD mà Ankara đầu tư vào dự án F-35.
Thổ Nhĩ Kỳ muốn Mỹ bán 40 chiếc F-16 và gần 80 bộ phụ tùng để hiện đại hóa tiêm kích hiện có. Tuy nhiên, thương vụ vẫn đang trong quá trình xem xét không chính thức, với khả năng cao quốc hội Mỹ không "bật đèn xanh" nếu Thổ Nhĩ Kỳ không chấp thuận cho Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 18/1 kêu gọi chính quyền Tổng thống Joe Biden quyết đoán hơn và thuyết phục quốc hội Mỹ chấp thuận thương vụ. Ông nói với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken rằng không nên coi việc Ankara phê chuẩn hai nước Bắc Âu vào NATO là điều kiện tiên quyết cho thương vụ F-16.
Quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, hai đồng minh NATO, bắt đầu căng thẳng kể từ khi Ankara tiếp nhận các hệ thống S-400 của Moskva năm 2019. Hai nước còn bất đồng liên quan việc Ankara có ý định mở chiến dịch quân sự ở Syria và bình thường hóa quan hệ với Damascus. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Mỹ dừng hỗ trợ các nhóm người Kurd ở Syria mà nước này coi là phần tử khủng bố.
Ngoài ra, căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp, cũng là một thành viên NATO, về vấn đề chủ quyền trên biển Aegean cũng có ảnh hưởng tiêu cực đến quan điểm của quốc hội Mỹ với Ankara.
"Tổng thống Erdogan nhiều lần tấn công đồng minh người Kurd của Mỹ ở Syria, cải thiện quan hệ với Nga, trì hoãn chấp thuận cho Thụy Điển và Phần Lan, là những nguồn cơn gây lo ngại", thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Van Hollen nói ngày 18/1. "Để Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận F-16, chúng ta cần chắc chắn những vấn đề đó sẽ được giải quyết".
Như Tâm (Theo TASS, Reuters)