Hai ảnh do tài khoản RupprechtDeino đăng trên Twitter hôm 17/11 cho thấy một tiêm kích hạm J-15 Trung Quốc được trang bị một móc kéo mới ở phía dưới càng trước. Đây được đánh giá là thiết bị quan trọng có thể giúp tiêm kích J-15 lấy lại vị thế trong không đoàn trên tàu sân bay Trung Quốc.
Móc kéo là bộ phận rất quan trọng để tiêm kích có thể vận hành cùng với hệ thống máy phóng trên tàu sân bay. Máy phóng bằng hơi nước hoặc điện từ có thể giúp chiến đấu cơ cất cánh cùng nhiều nhiên liệu và vũ khí hơn từ đường băng rất ngắn trên tàu sân bay.
Nguyên lý cất cánh với máy phóng hơi nước và máy phóng điện từ giống nhau. Trước khi máy bay cất cánh, móc kéo được khóa vào thoi đẩy của máy phóng, sau đó nhận lực kéo cực lớn từ hệ thống để tăng tốc và rời tàu sân bay.
J-15 là tiêm kích hạm chủ lực của tàu sân bay Trung Quốc, nhưng bị đánh giá là quá nặng nề và có năng lực tác chiến hạn chế. Nó có trọng lượng lớn hơn tiêm kích hạm F/A-18 Hornet của Mỹ tới 3 tấn, chiều dài lên tới 24 m, gần bằng oanh tạc cơ A-5 Vigilante từng hoạt động trên tàu sân bay Mỹ.
Khi chưa được gắn móc kéo, J-15 chỉ có thể vận hành trên tàu sân bay sử dụng cơ chế cất cánh cầu nhảy như Liêu Ninh và Sơn Đông. Thiết kế này hạn chế đáng kể khối lượng cất cánh tối đa của tiêm kích J-15, ảnh hưởng tới tầm bay và lượng vũ khí nó mang theo, cũng như số lần xuất kích trong mỗi nhiệm vụ. Điều này khiến các chuyên gia quân sự Trung Quốc ví nó như "thanh gươm cùn" của hải quân.
Tuy nhiên, móc kéo xuất hiện trong ảnh chụp nguyên mẫu J-15T có thể là thiết bị giúp mài sắc "thanh gươm cùn" này, đưa J-15 tiếp tục mà mẫu tiêm kích chủ lực trên các tàu sân bay đời mới trang bị máy phóng điện từ của Trung Quốc. Chữ "T" trong tên của nguyên mẫu này có thể là viết tắt của "Tanshe" (Đạn xạ), ám chỉ việc nó sử dụng máy phóng để cất cánh.
Trung Quốc đang gấp rút chế tạo tàu sân bay thứ ba, chiến hạm có thể lớn hơn tàu Liêu Ninh và Sơn Đông, vốn được cải hoán hoặc dựa trên thiết kế của tuần dương hạm Liên Xô. Ảnh vệ tinh cho thấy tàu sân bay mới của Trung Quốc dài khoảng 304 m và rộng khoảng 39 m.
Một số chuyên gia Trung Quốc cho rằng tàu sân bay thứ ba của nước này có thể được trang bị máy phóng điện từ, dù các chuyên gia nước ngoài hoài nghi điều này.
Hai tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc đều đang áp dụng cơ chế cầu nhảy, với phần mũi tàu cong lên, giúp tiêm kích tạo đà để cất cánh.
Trung Quốc có tham vọng biên chế 6 tàu sân bay vào năm 2030. Các quốc gia châu Á và phương Tây đang theo dõi chặt chẽ tiến trình hiện đại hóa và phát triển hải quân của Trung Quốc. Tàu sân bay được đánh giá là thành phần quan trọng trong tham vọng xây dựng lực lượng hải quân tầm xa của Trung Quốc và có thể thách thức ưu thế hàng thập kỷ qua của Mỹ tại khu vực Đông Á.
"Hải quân Trung Quốc hiện chưa công bố chi tiết kế hoạch hiện đại hóa lực lượng của họ, song dựa trên các công trình xây dựng trên, chúng ta có thể thấy tham vọng của họ rất lớn", một tùy viên quân sự châu Á giấu tên cho biết.
Nguyễn Tiến (Theo Sputnik)