Ảnh vệ tinh độ phân giải cao được Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), trụ sở tại Washington, Mỹ, vừa công bố cho thấy các phần thân tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc đang được lắp ráp trong một ụ nổi ở nhà máy đóng tàu Giang Nam, Thượng Hải.
Đây sẽ là tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc được trang bị các công nghệ hiện đại và có thể lớn hơn tàu Liêu Ninh và Sơn Đông, vốn được cải hoán hoặc dựa trên thiết kế của tuần dương hạm Liên Xô. Ảnh vệ tinh cho thấy tàu sân bay mới của Trung Quốc dài khoảng 304 m và rộng khoảng 39 m.
Matthew Funaiol, chuyên gia về Trung Quốc của CSIS, cho biết chưa rõ tàu sân bay mới có được trang bị máy phóng điện từ để giúp tiêm kích cất cánh hiệu quả hay không. USS Gerald R. Ford của Mỹ, hoạt động từ năm 2017, là tàu sân bay đầu tiên được trang bị máy phóng điện từ thay thế cho máy phóng hơi nước truyền thống.
Hai tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc đều đang áp dụng cơ chế cầu nhảy, với phần mũi tàu cong lên, giúp tiêm kích tạo đà để cất cánh. Hạn chế của thiết kế này là không hỗ trợ các tiêm kích hạng nặng mang đầy đủ nhiên liệu và vũ khí, khiến chiến đấu cơ trên hạm bị hạn chế tầm hoạt động và khả năng tấn công.
![Tiến trình chế tạo tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc tại nhà máy đóng tàu Giang Nam, Thượng Hải. Ảnh: CSIS.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/09/17/5563187065c-tau-san-bay-Trung-8425-5282-1600314969.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=8sBybJ9ZB5dP9-TtCHNrkw)
Tiến trình chế tạo tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc tại nhà máy đóng tàu Giang Nam, Thượng Hải. Ảnh: CSIS.
"Người Trung Quốc đang thể hiện năng lực khổng lồ trong thiết kế và lắp ráp chiến hạm", Funaiole nói. "Tiến trình diễn ra nhanh chóng. Thật ấn tượng về quá trình họ vượt qua để đặt mình vào vị trí hàng đầu trong công nghệ đóng tàu sân bay".
Tiến trình đóng tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc được dư luận trong và ngoài nước rất quan tâm. Dân Trung Quốc coi tàu sân bay là biểu tượng hữu hình cho sự phát triển của đất nước, hướng tới trở thành cường quốc toàn cầu với quân đội hiện đại và "đẳng cấp thế giới".
Trung Quốc vận hành hai tàu sân bay trong 10 năm qua, gồm Liêu Ninh được cải hoán từ tuần dương hạm cũ của Liên Xô và Sơn Đông, được thiết kế dựa trên Liêu Ninh. Tàu Sơn Đông bắt đầu hoạt động vào tháng 12/2019, còn tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc có thể phải tới năm 2023 mới đạt trạng thái sẵn sàng chiến đấu, Funaiole nói.
Sau khi ráp xong, thân tàu sân bay thứ ba có thể được hạ thủy vào cuối năm nay, truyền thông Trung Quốc đưa tin. Một số trang mạng xã hội Trung Quốc đăng ảnh cùng bình luận tỏ vẻ phấn khích về tiến trình đóng tàu sân bay thứ ba.
Tờ Global Times nhận định các bức ảnh trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy việc chiếc tạo tàu sân bay mới dường như "đang tiến triển thuận lợi", đồng thời dẫn lời một chuyên gia quân sự cho biết chiến hạm "có khả năng được trang bị" máy phóng điện từ.
![Kích thước ước tính các bộ phận thân tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc. Ảnh: CSIS.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2020/09/17/5563187065d-tau-san-bay-Trung-5509-7081-1600314970.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=9m8PAsWY1PdplFXZxSuvTQ)
Kích thước ước tính các bộ phận thân tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc. Ảnh: CSIS.
Chuyên gia hải quân Lý Kiệt thuộc Học viện Nghiên cứu Hải quân Trung Quốc tại Bắc Kinh, cho biết kế hoạch của Trung Quốc không dừng lại ở ba nhóm tác chiến tàu sân bay mà sẽ lập tới 4 nhóm.
Trong khi đó, nhiều chuyên gia thế giới nhận định Trung Quốc có tham vọng thành lập ít nhất 6 nhóm tác chiến tàu sân bay để cạnh tranh sức mạnh ở vùng biển xa với hải quân Mỹ, lực lượng đang vận hành 11 tàu sân bay hạt nhân.
Collin Koh, chuyên gia về hải quân Trung Quốc thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết tại Trung Quốc vẫn diễn ra tranh cãi về lợi ích của tàu sân bay trong chiến tranh hiện đại cùng cách chúng đối phó với mối đe dọa do tàu ngầm Mỹ gây ra.
Nguyễn Tiến (Theo WSJ)