(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Tuần vừa rồi, dư luận rộ lên đề nghị hủy kỳ thi tốt nghiệp trung học do dịch bệnh Covid-19, quan điểm của tôi là "vẫn nên thi".
Lý do thứ nhất là tôi đoán, đoán vì chưa có số liệu thống kê, là đa số học sinh rất muốn mình được thi để chứng nhận thành quả học tập của họ trong suốt 12 năm, nhiều em giỏi thì muốn công bằng hơn khi xét tuyển lên đại học. Đó là nhu cầu chính đáng của họ.
Lý do thứ hai là trong đợt bùng phát dịch thứ ba này ở Việt Nam, tôi thấy nhà chức trách đã bắt đầu tiếp cận xử lý dịch có kinh nghiệm hơn và bắt đầu muốn xã hội sống cuộc sống bình thường mới.
>> Học sinh lớp 12 trầm cảm vì áp lực thi cử
Nhưng nói đi phải nói lại. Tôi thấy, kỳ thi tốt nghiệp trung học là không đáp ứng được tiêu của giáo dục phổ thông cả. Nếu xét về mục tiêu phổ cập giáo dục, thì kỳ thi này không cần thiết. Phổ cập thì đâu cần thi cử làm gì, chỉ cần cấp cái giấy chứng nhận đã học xong 12 năm là được.
Nhưng nếu xét về mục tiêu thi để lấy bằng ra làm việc thì lại thiếu. Trong chương trình phổ thông, cơ cấu tín chỉ nghề quá ít làm cho cái bằng tốt nghiệp không đủ uy tín giúp cho doanh nghiệp không phải đào tạo lại. Nếu xét về mục tiêu giúp cho các trường Đại học xét tuyển thì lại không đúng với nguyên tắc tự chủ Đại học.
Về dài hạn, nếu chúng ta muốn thành rồng thành phượng thì phải cần cải cách giáo dục theo hướng hướng nghiệp chuyên sâu. Đất nước chúng ta có một nguồn nhân lực trẻ, khá thông minh, có căn tính dân tộc chủ nghĩa rất cao, nhưng năng suất làm việc kém hơn các nước khác, thì quá uổng.
Tôi đề nghị nên rút ngắn thời gian phổ cập giáo dục xuống còn 10 năm. Học hết 10 năm thì được cấp giấy chứng nhận phổ cập. Trong học bạ của chương trình phổ thông, giáo viên cần ghi rõ điểm mạnh điểm yếu của học sinh, và bắt buộc phải tư vấn hướng nghiệp cho trẻ. Học xong phổ thông, trẻ bắt đầu thi vào Cao đẳng nghề và Đại học.
Trong Cao đẳng nghề thì họ sẽ được học chuyên sâu về nghề nghiệp, và tiếng Anh chuyên ngành đảm bảo có thể đọc hiểu được tài liệu ngoại ngữ chuyên ngành. Các Cao đẳng nghề này không nên thuộc Bộ Giáo dục mà nên thuộc Cục Đào tạo nghề của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Qua đó, doanh nghiệp cũng có quyền mở trường dạy nghề.
>>Con nhà nghèo nên thi vào trường chuyên'
Đến năm 18 tuổi, bẻ gãy sừng trâu, các sinh viên Cao đẳng này đã trở thành một lực lượng công nhân lành nghề rồi, chứ không đợi đến sau 22 tuổi như bây giờ. Sau Cao đẳng nghề, họ nên tham gia thị trường nghề hai năm để tôi luyện, và sau đó nếu muốn trở thành nhà quản lý nghề thì sẽ học thêm Đại học hai năm thôi là đủ tín chỉ rồi.
Quay lại với ngành kinh tế, nếu lực lượng lao động chúng ta giỏi tay nghề, tiếng Anh lưu loát thì mức lương sẽ cao lên. Mức lương cao lên đủ đáp ứng sinh hoạt gia đình thì họ sẽ tiêu dùng nhiều hơn, tham nhũng vặt ít đi, và GDP qua đó sẽ cao hơn. Đó mới chính là căn cơ của quốc gia rồng phượng, chứ không phải chỉ thu hút FDI nhiều để tăng GDP như thời gian vừa qua.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiếntại đây.
Lê Khắc Bá Tùng