(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Khoảng hai tuần nữa là kỳ thi THPT Quốc gia sẽ đến. Từ tuần rồi tại phòng khám, số ca các em học sinh lớp 12 đến khám đã tăng. Đa phần các em đều có biểu hiện của tình trạng căng thẳng cấp tính (Stress cấp), trầm cảm hoặc lo âu.
Nhiều em mất ngủ, chán nản, mất động lực để tiếp tục học hành khi "cuộc đua" đang vào giai đoạn tăng tốc và về đích. Biểu hiện khác là các em dễ xúc động, khóc một mình, tập trung chú ý suy giảm, mau quên, một vài em còn có những xung động tự làm hại mình như muốn cắt tay, hoặc là lái xe gắn máy đâm vào đâu đó.
Tâm trạng các em không thể hiện ra vẻ bên ngoài. Nếu chỉ nhìn qua vẻ ngoài thì sẽ kết luận các em hoàn toàn bình thường, và sẽ bỏ sót hàng loạt biểu hiện rối loạn tâm thần hiện có. Một điều tôi chú ý trong thời gian này, là các em đi đến khám một mình. Có trường hợp từ các tỉnh lân cận đến khám, cũng đi một mình.
Điều này gây cho tôi sự chú ý. Câu trả lời đa phần tôi nhận được là ba mẹ "bận" không đi cùng được hoặc là em không muốn ba mẹ biết tình trạng của em. Điều này cho thấy một điều: Các em đang cô đơn. Cô đơn trong áp lực. Và áp lực đang là rất lớn. Các em đang không đủ khỏe mạnh, về cả thể chất lẫn tinh thần.
Tôi muốn chia sẻ một số lời khuyên để giành cho quý phụ huynh nào có đọc được bài viết này, một số quan điểm và nhận định cá nhân của tôi với một hy vọng duy nhất, là giúp các em giảm tải được áp lực, đồng nghĩa giảm tải được căng thẳng để có một trạng thái tốt nhất để có thể thể hiện được hết năng lực của mình. Và về chuyên môn, cũng là hạn chế yếu tố nguy cơ phát sinh các rối loạn tâm thần của các em trong giai đoạn này.
>> May mắn và nhục nhã của tôi khi học trường chuyên
Lưu ý, khi con bạn trông bình thường, không có nghĩa là trẻ bình thường. Đừng quên điều này, tâm trạng đôi khi không thể hiện ra bên ngoài. Đầu tiên, hãy đánh giá lại tình trạng sức khỏe của trẻ. Hãy hỏi trẻ, bằng những câu hỏi gián tiếp như Con có mệt không? Con có ngủ được không? Con ổn không? Hãy quan sát và lưu tâm.
Nếu con bạn gần đây chán ăn, hoặc toát lên vẻ mệt mỏi, lơ đễnh, đi lại chậm chạp, giành nhiều thời gian nằm trên giường, và lười đi ra ngoài, dễ cáu gắt và bực bội, mất kiểm soát hành vi. Có thể có những tình trạng rối loạn tâm thần đang xảy ra.
Lưu ý, giảm tải các áp lực cụ thể và các áp lực "vô hình". Nếu bạn đang áp đặt con mình phải được như thế này, phải đạt như thế kia thì không cần bàn cãi thêm, trẻ đang chịu nhiều áp lực khủng khiếp.
Tuy nhiên, nếu chúng ta không nói gì cả, áp lực cũng sẽ tự vây quanh các em. Đối với những trẻ có xu hướng nội tâm, nhạy cảm, thông minh và nhận thức tốt, thì những thành công của người thân trong gia đình cũng tạo nên một áp lực lớn, một khung tiểu chuẩn được vẻ ra, các em sẽ nghĩ tôi ít ra phải đạt như vậy, còn không thì sẽ là thất bại.
Một em được bố đưa đi một buổi hẹn trong đó gặp gỡ với giới thiệu với một thầy là hiệu trưởng một trường Y khoa, điều này ám ảnh trẻ trong suốt thời gian sau đó, với việc nghĩ mình phải thi đỗ vào trường Y trên, không có cách nào khác. Các em thường có xu hướng tự liên hệ và ám thị. Nhưng điều này không phải lỗi của các em.
>> Con nhà nghèo nên thi vào trường chuyên'
Dù trưởng thành hay chưa trưởng thành, xu hướng thể hiện cảm xúc và suy nghĩ của mọi người là rất khác nhau. Các em thường tích lũy các căng thẳng, áp lực và không có phương tiện cũng như cách thức để giải tỏa, giảm tải. Trong giai đoạn này, bố mẹ là người khả dĩ nhất và quan trọng nhất để giúp các em xả xì hơi quả bóng áp lực đang ngày càng to và căng phồng không biết đến khi nào sẽ nổ của các em.
Cuối cùng là việc một số phụ huynh có hành động nhưng lại tỏ ra thiếu hiệu quả. Hãy lưu ý, "Con cứ chọn và làm gì con thích là được. Không cần phải theo bố mẹ", đây không phải là câu nói thần tiên. Các em vẫn không giải tỏa được áp lực của mình. Có thể, hãy cùng ngồi với các em để trao đổi một cách cụ thể về các nguyện vọng, các phương án, làm sao cho các em thấy, các em luôn có một phương án dự phòng, một con đường khác có thể đi và đích đến cuối cùng cũng hạnh phúc và thành đạt không kém.
Hãy khơi gợi và để các em trải lòng, và hãy lắng nghe các em nhiều hơn, để hiểu trước khi đưa ra những lời khuyên, tránh tính kinh nghiệm và áp đặt.
Áp lực vừa phải là cần thiết để thúc đẩy sự phát triển, nhưng áp lực quá mức sẽ bóp chết cả một tài năng, và tệ hơn có thể phá hủy sức khỏe, những mối quan hệ của trẻ. Kỳ thi sắp đang đến gần, các em cần một hậu phương, một người trợ thủ cho mình, hãy đồng hành cùng các em.
Tôi hy vọng các em không ai phải đi khám một mình, thay vào đó là sự nắm tay của gia đình.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiếntại đây.
Lê Duy
(Bác sĩ Chuyên khoa tâm thần)