Hứa Ngọc Hoàng Khuyên (lớp 12 trường THCS - THPT Đào Duy Anh, quận Tân Phú) không ra khỏi nhà, không tiếp xúc với người lạ từ hôm lấy mẫu xét nghiệm Covid-19, như yêu cầu của trường để đảm bảo an toàn khi bước vào kỳ thi. Hôm qua 5/7, biết kết quả xét nghiệm âm tính - đủ điều kiện tham dự kỳ thi đợt 1, nữ sinh thở phào. "Bây giờ em chỉ muốn được thi thật nhanh, để kỳ thi chóng qua, để được về nhà nghỉ ngơi. Thời gian qua đối với em dài đăng đẳng", Khuyên nói.
Khối 12 ở TP HCM từ hồi đầu năm đã bước vào chương trình học kỳ II. Trường vừa dạy, vừa ôn thi tốt nghiệp nên đến cuối tháng 5 mọi việc gần như hoàn tất. Hơn một tháng nay, Khuyên ôn tập nhẹ nhàng các môn Toán, Văn, tiếng Anh và tổ hợp Khoa học xã hội theo chủ đề, luyện giải đề và ghi nhớ kiến thức căn bản.
Đặt nguyện vọng cao nhất vào ngành Truyền thông đa phương tiện (Đại học Công nghệ TP HCM), nữ sinh sớm trúng tuyển nhờ phương thức xét kết quả học bạ. Đạt học lực giỏi lớp 12, khả năng đậu tốt nghiệp trong tầm tay, Khuyên không quá áp lực cho kỳ thi này nên không ôn bài theo kiểu "thức khuya dậy sớm".
"Em với mấy bạn cũng tính xin thi đợt 2 nhưng không biết khi nào dịch bệnh mới ổn định. Trong khi đó bạn bè khắp nơi thi mà mình ở nhà thì cũng sốt ruột, nên cố gắng thi cho xong sớm", nữ sinh nói.
Lo sợ dịch bệnh nhưng vẫn muốn thi cho nhẹ gánh cũng là tâm trạng của thí tuổi "Dê vàng 2003" ở TP HCM. Trong các nhóm chat hay thể hiện trên trang cá nhân, đa số tỏ ra khá nhẹ nhàng trước kỳ thi. Nhiều em thậm chí bỏ mục tiêu phải đạt điểm cao, chuyển sang đủ điểm đậu để giảm áp lực.
Nguyễn Phúc Thanh (học sinh trường THPT ở TP Thủ Đức) dù chưa xét tuyển vào trường đại học nào bằng phương thức học bạ, song rất tự tin với khả năng của mình sau khi tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh. Nhiều đại học tầm trung hiện lấy mức chuẩn điểm học bạ trung bình khá hoặc điểm thi THPT chỉ từ 16 trở lên, thời gian tuyển sinh kéo dài nhiều tháng.
Hôm nhà trường gửi phiếu khảo sát về phương án kỳ thi, Thanh thuyết phục cha mẹ đánh vào ô không yên tâm nhưng vẫn đồng ý cho con thi, dù trước đó gia đình quyết định xin cho thi đợt 2.
Nam sinh kể, thời gian qua cùng nhóm bạn, thầy cô không bỏ sót thông tin về diễn biến Covid-19 và các động thái phòng chống của TP HCM. Ai cũng hiểu rằng dịch bệnh năm nay khác hẳn năm ngoái, rất khó đòi hỏi một kỳ thi tốt nghiệp tinh tươm. "Thay vì lo sợ và chờ đợi, tụi em muốn thi với các biện pháp bảo vệ an toàn. Nếu nhìn tích cực hơn, em nghĩ khó khăn này cũng có thể xem là thử thách đầu tiên để mình trưởng thành", Thanh nói.
Trái với tâm trạng của con, phụ huynh "lòng như lửa đốt" khi số ca bệnh tại TP HCM không ngừng tăng, nhất là đợt xét nghiệm hơn 100.000 thí sinh và cán bộ coi thi vừa rồi có 18 mẫu gộp dương tính, xác minh được 12 trường hợp F0.
Bà Trần Thị Ánh Nguyệt (ngụ huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) có con trai học lớp 12 trường THPT Thành Nhân (TP HCM), về quê từ cuối tháng 5 do trường đóng cửa, ngưng nội trú. Từ giữa tháng 6, gia đình bà thường xuyên cập nhật phương án thi tốt nghiệp của thành phố, nhưng mãi đến chiều 1/7 mới có quyết định chính thức nên con trai phải vào Sài Gòn ngay hôm sau.
"Con phải vội vã vào vùng dịch bệnh để thi, tôi mất ăn mất ngủ. Lúc đầu tôi tính đi chung nhưng do nghề nghiệp đặc thù, tôi không được rời địa phương, nên con phải đi một mình. Từ bữa đó đến nay, tôi tụt huyết áp vì lo", bà Nguyệt kể.
Con trai bà đặt nguyện vọng vào ngành Công nghệ thông tin ở các trường top trên như Bách khoa, Công nghệ thông tin, Khoa học Tự nhiên và Sư phạm Kỹ thuật. Hiện, cậu đã trúng tuyển một trường theo phương thức xét học bạ, song đó chỉ là phương án dự bị. Muốn vào trường tốt, nam sinh buộc phải đạt điểm cao ở kỳ thi tốt nghiệp THPT này. "Gia đình rất kỳ vọng vào kỳ thi, nhưng bây giờ mục tiêu trên hết là đảm bảo sức khoẻ và an toàn", bà nói.
"Mất ăn, mất ngủ" cũng là tình trạng của vợ chồng ông Ngô Quí Linh (ngụ quận 1, TP HCM) với kỳ thi của con trai - học sinh trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai.
Với mong muốn làm bác sĩ, con trai ông đặt nguyện vọng ngành Y nhiều trường. Hiện, cậu đã đậu 3 đại học có ngành Y là Nguyễn Tất Thành, Quốc tế Hồng Bàng, Văn Lang và 2 trường ngành khác là Đại học Kinh tế, Đại học Ngân hàng. Tuy nhiên, với mục tiêu lớn nhất là vào Đại học Y dược TP HCM và Phạm Ngọc Thạch (có điểm chuẩn 27-28 nhiều năm), tức phải trên 9 điểm mỗi môn mới chắc suất đậu, con ông phải nỗ lực rất nhiều ở kỳ thi này.
"Áp lực của con tôi và bạn bè là rất lớn. Chưa kể các con phải thi trong điều kiện dịch bệnh thế này thì không tránh khỏi tâm trạng nặng nề. Cha mẹ như chúng tôi chẳng thể yên lòng", ông Linh nói.
Quyết định cho con thi, ông liên tục nhắc con tuân thủ chặt các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn. Dù thấp thỏm nhưng vợ chồng ông Linh tự trấn án, tạo tâm lý thoải mái, tự tin nhất cho con.
Giống như nhiều phụ huynh khác, ông Linh từng nghĩ tới phương án dừng kỳ thi chung, cho địa phương xét tốt nghiệp. Dù điều này chưa thể thực hiện ngay trong năm nay, nhưng về lâu dài, phụ huynh này đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tính toán và triển khai.
TP HCM có 89.200 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT tại 155 điểm thi. Hiện có hơn 1.200 thí sinh diện F0-F2, nơi ở bị phong tỏa; cùng một số thí sinh F0, bị ảnh hưởng dịch bệnh đang được xác minh, sẽ không thể tham gia đợt thi này. Chiều nay, thí sinh sẽ đến các điểm thi làm thủ tục để ngày mai bắt đầu thi.